Thận trọng kẻo rượu thuốc hóa rượu độc

author 06:30 10/09/2014

(VietQ.vn) - Nhiều người thường dùng rượu ngâm như một loại thuốc tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc ngâm rượu tùy tiện theo cảm tính và uống rượu theo kiểu “uống càng nhiều càng tốt” là những quan điểm sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngộ độc vì rượu thuốc ngâm theo cảm tính, thiếu khoa học

Gần đây, tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng (Long An) xuất hiện tin đồn ở nhà bà Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, ngụ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại) có gốc cây “lạ” vạc thành miếng nhỏ đem ngâm rượu có thể trị được bách bệnh. Hơn 3 tháng qua mỗi ngày có hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến nhà bà Hồng để xem gốc cây, sau đó mua rượu ngâm gốc cây mang về chữa trị.

Ông Đặng Văn Thắng, một người dân địa phương cho biết: “Từ khoảng tháng 5, mỗi ngày có từ 100-200 khách đến nhà bà Hồng để mua thuốc rượu ngâm gốc cây “thần kỳ” có thể trị bách bệnh. Bình thường bà Hồng nói chỉ lấy tiền rượu, không lấy tiền cây, tuy nhiên, tùy theo lòng hảo tâm của khách, giá một chai rượu ngâm rễ cây khoảng một xị được trả từ 50.000-100.000 đồng”.

Rượu thuốc ngâm từ gốc cây

Rượu thuốc ngâm từ gốc cây "thần kì" chữa bách bệnh không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa

Còn bà Hồng cho biết. “Đừng nghĩ gốc cây này bình thường, vạc nó ra thành những miếng nhỏ rồi ngâm với rượu làm thuốc... Bệnh gì cũng trị tốt, nhất là chữa các bệnh về đau mỏi, nhức khớp, thần kinh tọa…Có những người bị lâu năm đến đây tôi “cho thuốc” về thoa vài lần là khỏi liền”.

Thực tế, vỏ chai được tận dụng lại các chai nước khoáng, nước ngọt đã sử dụng bị vứt bỏ nên nhìn bề ngoài khá dơ khi có nhiều bụi bẩn bám vào. Bên trong chai chỉ chứa một phần rượu trắng và hòa lẫn 5 đến 6 nhánh gỗ nhỏ đen sì nên có nhiều cặn, gợn đóng dưới đáy. Không những thế bà Hồng còn cho biết công thức pha chế: chỉ cần bỏ vài nhánh gỗ vào chai, sau đó rót rượu vào là có thể sử dụng ngay lập tức để làm thuốc.

Tuy nhiên, nhiều người sau khi bôi, uống thứ thuốc lạ này không thấy hiệu quả gì mà còn bị dị ứng da, đau bụng, tiêu chảy nên không ai tin, chỉ có khách từ xa đến mới tin thứ thuốc rởm này.

Thanh tra Sở Y tế Long An cũng cho rằng, bà Hồng không có chứng nhận hành nghề, cũng không biết rõ đây là loại cây gì nên nếu người dân tùy tiện sử dụng có thể nguy hiểm đến sức khỏe.

Còn ông Nguyễn Văn Thắm - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết: “Huyện đang có kế hoạch đưa gốc cây này về trụ sở UBND huyện để ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Dù chưa xác định là cây gì, nhưng theo đặc điểm tự nhiên ở địa phương, đây thực chất chỉ là loại cây tạp, không có giá trị. Sắp tới chúng tôi sẽ họp liên ngành để giải quyết dứt điểm tin đồn này”.

 

 

Một câu chuyện khác do Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên Hội Dược liệu TPHCM – học trò của GS.TS Đỗ Tất Lợi - một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dược học và chuyên gia về cây thuốc quý nổi tiếng của Việt Nam, cho biết có lần xuống Định Quán (Đồng Nai) chơi, thấy người bạn thân bưng ra bình rượu bìm bịp mời uống. Trong bình rượu là một con bìm bịp… còn nguyên lông. Hay có những người ngâm tắc kè nguyên con, không hề bỏ nội tạng. Trong khi bìm bịp, tắc kè là những loài động vật ăn côn trùng. Vì thế trong nội tạng của nó chứa một số ký sinh, nếu đem ngâm cả con như thế thì thật nguy hiểm, chẳng khác gì mang ký sinh trùng vào cơ thể. 

Ngoài ra có người tiêu dùng còn ngâm rượu với con bổ củi, trong khi theo sách vở cũng như truyền miệng, chưa từng nghe bài thuốc nào lạ lùng như thế. Thậm chí có người còn nhầm tưởng, mang rễ cây lá ngón (một loại cây cực độc, gây chết người) để ngâm rượu uống. Một số người còn nghĩ ra cách ngâm rượu với huyết động vật để uống với mong muốn bổ thận, tráng dương. Thực tế thì huyết động vật không có một thành phần nào có tác dụng như thế… Đáng lẽ ngâm rượu thuốc phải hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn thì ngược lại, người ngâm rượu toàn hỏi những người không biết gì về dược lý, thậm chí làm theo lời truyền miệng. Có thể điểm lại, trong thời gian qua, ở Việt Nam, có hàng trăm vụ ngộ độc, tử vong vì uống rượu thuốc.

Vì vậy, tất cả các cách ngâm đều phải có bài, có vị mới hiệu quả. Thế nhưng, hiện có rất nhiều người ngâm rượu thuốc một cách cảm tính, thiếu khoa học. Nhiều người vẫn có thói quen có gì ngâm nấy, hoặc ngâm đúng vị, đúng bài nhưng sai về cách thức.

Rượu thuốc phải được ngâm đúng cách

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ngâm rượu có hai yếu tố cần phải tuân thủ là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại. Rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45-55 độ. Rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng từ 40-50 độ. Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm.

Ngâm rượu thuốc phải căn cứ vào sức khỏe người bệnh

Ngâm rượu thuốc phải căn cứ vào sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa

Thêm nữa, rượu thuốc ngâm phải đúng bài, đúng vị. Trước đây, theo bài, thì người dân dựa vào các bài thuốc cổ phương. Có thể kể đến như bát trân – 8 loại dược liệu quý giá, thập toàn đại bổ… Đơn giản hơn, dân gian cũng có thể ngâm theo vị như rượu linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô… Động vật có thể ngâm rượu ví như một số loại rắn, tắc kè, bìm bịp, cá ngựa.

Uống rượu thuốc cũng phải đúng liều lượng. Nếu uống để điều trị bệnh, phải theo hướng dẫn của bác sỹ. Còn để tăng cường sức khỏe cũng chỉ nên uống 1-2 ly nhỏ mỗi ngày. Vì rượu thuốc chứa cả phần rượu và phần thuốc, nếu uống rượu thuốc quá nhiều, chẳng khác nào uống thuốc quá liều. Đặc biệt, rượu thuốc cũng chống chỉ định những người loét dạ dày, xơ gan, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảnh báo.

Còn theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền BV Quân y 108, để chuẩn bị ngâm rượu thuốc, người dùng cần được khám tỉ mỉ và chẩn đoán bệnh chính xác. Dựa trên kết quả khám, bác sĩ Đông y mới chọn các thứ thuốc phù hợp. Ngay cả khi ngâm thuốc bổ, người cắt thuốc cũng cần nắm được các đặc điểm về tuổi tác, giới tính, thể chất của người dùng, nghĩa là phải xác định được phần nào hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và phủ tạng nào cần bồi bổ (tâm, can, tỳ, phế, thận). Ngoài ra, do rượu thuốc có tính cay, nhiệt nên những người thể chất âm hư, hỏa vượng và bị nhiệt bệnh không nên dùng.

Linh Nguyễn (Tổng hợp từ Lao Động và Dân Việt)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang