Tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại

author 18:54 26/11/2020

(VietQ.vn) - Chi phí logistics cao là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics sẽ giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại và thực hiện hiệu quả quá trình hội nhập.

Chi phí logistics còn cao

Ngày 26/11/2020 tại Hà Nội đã diễn ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là Diễn đàn rất quan trọng, được duy trì và tổ chức đều đặn từ năm 2013 đến nay. Qua 7 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành một không gian uy tín, kết nối sự tham gia, chia sẻ và phản hồi thông tin của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, từ đó, đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

Từ kết quả khuyến nghị của Diễn đàn, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 đã được Thủ tướng ký ban hành và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế .

Tại Việt Nam, kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ ba trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tháo gỡ “điểm nút”, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 đối tác đã có FTA với ASEAN, sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế nước ta.

Việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, từ đó, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, kinh tế thế giới trong 10 tháng đầu năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 9,3 tỷ USD).

Bộ trưởng cũng cho biết, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể tác động tới triển vọng phát triển dịch vụ logistics trong việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; và cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics. Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa, tháo gỡ các nút thắt cho DN logistics phát triển 

Phấn đấu tăng trưởng dịch vụ logistics 1-20%/năm

Nhận thức rõ vai trò của ngành logistics, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế, Chính phủ đã đặt mụ tiêu, thời gian tới, phấn đấu đạt mức tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistic trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách; đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp.

Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thuỷ nội địa…

Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics; khuyến khích phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế và kết nối đa phương thức trong vận tải nội địa;

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; có giải pháp để nâng cao lưu lượng hàng hóa từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại;

Nhằm nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu các trường đại học nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế.

Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics cần chủ động đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh; chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics- Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trong buổi Thảo luận Cấp cao tại Diễn đàn, các diễn giả đã làm rõ, sâu sắc hơn thực trạng dịch vụ logistics của nước ta hiện nay, cũng như các giải pháp để tháo gỡ điểm nút logistics nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành dịch vụ này.

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp để cùng nhau giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt; đồng thời trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dịch vụ logistics.   

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang