Thực thi Hiệp định RCEP: Giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài

author 15:57 19/11/2020

(VietQ.vn) - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) ký ngày 15/11/2020, gồm 15 quốc gia, trong đó 10 nước thuộc khối ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại là Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, sẽ giúp Việt Nam thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài.

Sau chặng đường dài 8 năm, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Hiệp định RCEP giúp cải thiện tình trạng nhập siêu cho Việt Nam trong dài hạn

 

Nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới

Theo ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương), Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 ngàn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Các quốc gia thành viên sẽ tham gia vào một thị trường mở về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội đầu tư, thương mại trong đó các thủ tục hải quan được đơn giản hóa.

Điểm đáng chú ý của Hiệp định RCEP là áp dụng Quy tắc xuất xứ cộng gộp, cho phép sử dụng nguyên liệu đầu vào ở tất cả các nước thành viên RCEP. Doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây; tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực.

Các chuyên gia về hội nhập của Bộ Công Thương cho rằng, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, việc Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.

Đặc biệt, việc tham gia cả hai FTA lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Hiệp định RCEP và CPTPP thể hiện đóng góp của Việt Nam trong việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới cũng như luật chơi trong khu vực, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tận dụng các cơ hội để phát triển

Theo Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Đây là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn. Hiệp định RCEP cũng không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại…

Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và đánh giá tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Cùng với đó, việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang