Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động

author 21:44 17/11/2021

(VietQ.vn) - Các hoạt động đào tạo, thủ tục xin visa được kích hoạt trở lại để nhanh chóng đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn đang chờ các doanh nghiệp.

Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động) là một trong những giải pháp nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Ngay sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tuyên bố nới lỏng các biện pháp nhập cảnh nhằm thu hút lao động nước ngoài, số đông các doanh nghiệp (DN) dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) rất phấn khởi. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mong muốn được tổ chức đào tạo học viên trực tiếp để bảo đảm chất lượng lao động xuất khẩu cũng như hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động.

 Được dạy và học trực tiếp là mong muốn của doanh nghiệp lẫn người lao động

Những năm qua, nhiều địa phương đều xác định XKLĐ là con đường giải quyết việc làm hiệu quả, nên rất chú trọng công tác này. Ngay bản thân những LĐ đang chờ xuất cảnh cũng lo lắng. Bởi nhiều gia đình có con em đi XKLĐ đều phải vay ngân hàng. Nhưng thời gian xuất cảnh phải lùi lại, thậm chí chưa biết bao giờ được đi, trong khi ai cũng mong sớm ổn định công việc còn có tiền gửi về trả nợ.

Do đó, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế ở trong nước, ngành LĐTB&XH và các địa phương đã khẩn trương khởi động lại công tác XKLĐ. Điều này là hoàn toàn phù hợp, cần thiết, nhưng quan trọng nhất là vẫn bảo đảm an toàn cho LĐ. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động khảo sát thị trường, ngành LĐTB&XH cùng chính quyền các địa phương cần “khoanh vùng” những LĐ đang chờ xuất cảnh, phải vay vốn ngân hàng để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc thông tin, tuyên truyền chính sách về XKLĐ vẫn tiếp tục được thực hiện.

Trong thời gian chững lại này, các địa phương cần tập trung đào tạo cho người LĐ về trình độ tay nghề, ngoại ngữ để có một lực lượng LĐ chất lượng, khi đủ điều kiện thì có thể cung ứng đủ LĐ cho những thị trường có yêu cầu cao.

Ngoài ra, vaccine vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, các điều kiện nhập cảnh được nhiều nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam cũng công bố có yếu tố vaccine. Chẳng hạn như Nhật Bản ghi rõ những ai đã tiêm 1 trong 3 loại vaccine đã được Chính phủ nước này phê duyệt gồm: Pfizer, Mordena, Astrazeneca thì chỉ cần cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày sau khi nhập cảnh. Các nước khác cũng có quy định tương tự. Vì thế, điều mà các DN XKLĐ mong muốn được hỗ trợ lúc này là tiêm đủ mũi vaccine cho học viên, NLĐ của mình.

Với những người đã tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 bất kỳ đang được lưu hành tại Việt Nam nhưng không nằm trong danh mục mà các nơi tiếp nhận lao động thì cần phải tiêm mũi 2 để đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường khi nhập cảnh vào quốc gia, vùng lãnh thổ mình đến làm việc. Còn những ai chưa tiêm mũi 1 loại vaccine được nước, vùng lãnh thổ đến chấp thuận thì sẽ được tiêm mũi 2 ngay khi nhập cảnh. Đặc biệt, người chưa tiêm mũi vaccine nào nếu có xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian cho phép vẫn được nhập cảnh và sẽ được nơi tiếp nhận tiêm vaccine theo quy định của nước, vùng lãnh thổ sở tại.

Có thể nói, đưa người lao động đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài là kênh giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động, mang nguồn ngoại tệ lớn về cho đất nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề,... góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Hoài Thương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang