Giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động

author 16:58 16/11/2021

(VietQ.vn) - Chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động; trong đó, thiếu hụt lao động là nỗi lo không nhỏ.

Tính đến nay, dịch Covid-19 đang dần được đẩy lùi nhờ vào nỗ lực phòng chống của các ngành chức năng, đặc biệt, chiến dịch phủ rộng tiêm vaccine phòng ngừa cho số đông người dân đã dần phát huy hiệu quả. Chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động; trong đó, thiếu hụt lao động là nỗi lo không nhỏ.

Thực tế, những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, gỗ... đang thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc các ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng lớn nhưng đây là ngành có thể dễ khôi phục hơn, thu hút lao động trở lại nếu thị trường được tái mở cửa. 

Ngoài phạm vi ngành, mức độ ảnh hưởng còn được xét theo loại hình doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp tư nhân đơn lẻ quy mô vừa và nhỏ chịu tác động thiếu hụt lao động lớn hơn các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất, nhà máy ở các khu vực khác nhau. Ví dụ cùng trong ngành dệt may, nhà máy của doanh nghiệp nhỏ thường rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng hơn doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực, bởi vậy khó khôi phục sản xuất ngay.

Giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động. Ảnh minh họa. 

Theo TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động các ngành kinh tế, đồng thời tạo thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại và tương lai.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động là điều dễ hiểu. Ngược lại, khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra.

Với Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12/10 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tạo khung khổ chính sách nhất quán để thực hiện, tránh cát cứ, cục bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt.

Cũng tại Nghị quyết 128, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề và phát triển thị trường lao động, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời điểm căng thẳng của những tháng cuối năm, khi mà đa số doanh nghiệp đang phải căng sức và tăng năng suất lao động để hoàn thành các kế hoạch mục tiêu, ông Trương Anh Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần sớm có phương án ứng phó với tình trạng thiếu nhân công lao động; đồng thời, tìm giải pháp bù đắp bằng cách tuyển thêm và tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động hiện có.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ sở giáo dục và hướng nghiệp cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập. Qua đào tạo nghề nghiệp sẽ góp phần khôi phục thị trường lao động và giải quyết sớm thách thức về con người, về nguồn nhân lực hiện nay.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang