Thay đổi nhận thức người đứng đầu doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công

author 16:25 25/09/2020

(VietQ.vn) - Rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo.

Kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng công nghệ số. Nền kinh tế số đang hình thành bộ khung ở nhiều quốc gia, vì vậy mà sự lãnh đạo và quản lý cần phải có sự thay đổi toàn diện để nền kinh tế số đi đúng quỹ đạo.

Nhận thức người đứng đầu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để chuyển đổi số thành công. Ảnh minh họa. 

Theo một khảo sát mới đây của Cisco Việt Nam, tại thị trường Việt Nam vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Lý giải sự thụ động với thay đổi của thị trường, nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết, dịch Covid-19 khiến bản thân doanh nghiệp còn phải “vật lộn” để tồn tại, chưa thể đầu tư cho việc số hóa hoạt động của mình dù rất quan tâm đến việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đó chỉ là nguyên nhân khách quan, trong khi nguyên nhân quan trọng hơn là ý chí chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA, chuyên triển khai ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp cho hay, trong quá trình triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ cho gần 250.000 doanh nghiệp, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo.

“Nếu lãnh đạo quyết tâm vào cuộc, khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng số thì sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy nguồn lực hạn chế nhưng lợi thế là quy mô nhỏ nên khi quyết tâm số hóa vẫn ít yếu tố chi phối, ảnh hưởng hơn doanh nghiệp lớn”, bà Thúy chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chuyển đổi số thực chất là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh, bởi vậy, lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số.

“Các nhà lãnh đạo phải là nhà lãnh đạo số, phải biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình”, ông Huân nói.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột chính là: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, quá trình xây dựng 3 trụ cột này có sự tương tác, hỗ trợ nhau. Sự thành công của chuyển đổi số phụ thuộc nhiều nhất là nhận thức từ người dân, chủ doanh nghiệp. Do đó, nhận thức phải đi trước một bước.

Ra mắt cuốn sách Cẩm nang chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp(VietQ.vn) - Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ra mắt cuốn Cẩm nang chuyển đổi số với 20 câu hỏi lớn và 200 câu hỏi nhỏ xoay quanh các vấn đề của chuyển đổi số Việt Nam.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang