Thị trường Trung Quốc: Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Thủ tục hải quan để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gồm những bước nào?
Nắm rõ quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm khi xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc
Mexico là điểm sáng xuất khẩu cá tra của Việt Nam
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo thị thực E7
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước xuất nhập khẩu thủy sản lớn, chiếm 18% NK thủy sản TG.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thị trường thủy sản toàn cầu và bất kỳ thay đổi nào trong sản lượng thủy sản Trung Quốc và nhu cầu thị trường sẽ có tác động domino lên giá toàn cầu.
Thị trường thủy sản Trung Quốc bùng nổ mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cộng với sự thiếu hụt nguồn cung thủy, hải sản trong nước đã khiến nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng lên qua từng năm.
Mặt khác, thu nhập của người dân cao hơn, tần suất tiêu dùng và số lượng người tiêu thụ thủy sản tăng đã trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây.
Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.
Về sản lượng, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thuỷ sản, dao động khoảng 63 triệu tấn/năm, ít biến động trong những năm qua. Trung Quốc có số lượng tàu đánh bắt nhiều nhất TG (khoảng 700.000 tàu khai thác). Tuy nhiên, nguồn lợi thuỷ sản của nước này đang giảm đi đáng kể do tình trạng khai thác quá mức và ô nhiễm nguồn nước.
Thế mạnh XK thuỷ sản của Trung Quốc là các loài cá nuôi, chiếm 53% (các loài chính là cá rô phi, cá chép, cá trắm, cá diếc, cá mè…Trong đó, cá rô phi Trung Quốc đứng số 1 thế giới về sản lượng và XK và là loài cá thịt trắng cạnh tranh với cá tra Việt Nam tại các thị trường TG và chính thị trường nội địa Trung Quốc.
Các tỉnh sản xuất thủy sản hàng đầu của Trung Quốc là Quảng Đông, Sơn Đông và Phúc Kiến, do vị trí ven biển thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào và có các cơ sở sản xuất chế biến. Các địa phương sản xuất thủy sản nước ngọt hàng đầu là các tỉnh Hồ Bắc, Quảng Đông và Giang Tô.
Về đặc điểm tiêu thụ thủy sản tại thị trường Trung Quốc, dữ liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy mức tiêu thụ thủy sản của nước này đã tăng từ 11,5 kg bình quân đầu người năm 1990 lên 25,4 kg năm 2004, ước đạt 35,9 kg trong năm 2021, tương đương khoảng 52 triệu tấn.
Dự đoán giai đoạn 2022 – 2023 tiêu thụ thuỷ sản sẽ tăng lên khoảng 39-40kg/người (58 triệu tấn với dân số 1,5 tỷ người), tới năm 2028 dự báo tiêu thụ thuỷ sản tăng tới trên 44kg/người (64 triệu tấn). Tuy nhiên, tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc phân bổ không đồng đều. Ở các khu vực ven biển phía Đông, mức tiêu thụ thủy sản rất cao, trong khi ở khu vực nội địa khá thấp, vận chuyển dây chuyền lạnh phần nào làm hạn chế tiêu thụ thủy sản trong khu vực nội địa.
Theo truyền thống, người tiêu dùng Trung Quốc thích hải sản tươi sống hơn thực phẩm chế biến sẵn, vì vậy mức tiêu thụ thủy sản chế biến trong nước tương đối thấp.
Tuy nhiên, tiêu thụ thủy sản chế biến dự kiến sẽ tăng do sự cải thiện cơ sở hạ tầng chế biến, phân phối và chuỗi lạnh ở Trung Quốc, cũng như số lượng người tiêu dùng trẻ ngày càng tăng.
Là nước tiêu thụ thuỷ sản lớn, nhưng Trung Quốc cũng là cường quốc về chế biến thủy sản với khoảng 9,2-9,3 nghìn cơ sở chế biến, tổng công suất 28,5 triệu tấn/năm.
Những năm gần đây Trung Quốc chế biến 21- 22 triệu tấn thuỷ sản (80% là cá biển, 20% là cá nước ngọt). Hàng năm, một lượng lớn thủy sản được NK, một phần đáng kể được chế biến và XK. Các tỉnh Sơn Đông, Phúc Kiến, Liêu Ninh, Chiết Giang và Hồ Bắc chiếm 76% tổng sản lượng của cả nước. Các tỉnh này còn có nhiều cơ sở chế biến do nước ngoài sở hữu và cũng được trang bị cảng và kho lạnh để nhập khẩu, chế biến và tái xuất thủy sản.
Các sản phẩm chế biến chủ yếu là cá tuyết cod đông lạnh, cá tuyết hake đông lạnh, tôm đông lạnh, cá thu, cá hồi, cá trích, mực nang và mực ống đông lạnh. Nguyên liệu thô chủ yếu từ Nga, Ecuador, Hoa Kỳ và Indonesia. Trung Quốc đã tạo ra nhu cầu rất lớn trên thị trường thủy sản toàn cầu. Theo báo cáo của Rabobank, Trung Quốc có khả năng trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 20 tỷ USD trong vài năm tới. Việc cải thiện sức tiêu thụ của Trung Quốc là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản toàn cầu.
Top 10 nhà XK thủy sản hàng đầu của Trung Quốc bao gồm Nga, Ecuador, Việt Nam, Ấn Độ, Canada, Hoa Kỳ, Indonesia, Na Uy, Australia và New Zealand. Nhập khẩu từ 10 quốc gia này chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.
Top 10 mặt hàng thủy sản nhập khẩu phổ biến nhất tại thị trường Trung Quốc là: tôm, tôm hùm, cá tuyết cod đông lạnh, cua, cá hồi, cá tuyết hake đông lạnh, mực nang, mực ống, philê cá tra đông lạnh và cá chim.
Cá hồi chủ yếu đến từ Na Uy và Chile; tôm hùm chủ yếu đến từ Úc, New Zealand và Mexico; hơn 50% tôm nhập khẩu đến từ Ecuador; khoảng 40% cua huỳnh đế tươi sống đến từ Nga ...
Dữ liệu do hải quan Trung Quốc cung cấp cho thấy 93% cá tuyết đông lạnh được nhập khẩu từ Nga; hơn 65% cá bơn đông lạnh đến từ Hoa Kỳ và 17% từ Nga. 42% mực nang và mực ống đông lạnh đến từ Indonesia và 17% từ New Zealand. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá đông lạnh lớn nhất của Nga. Năm 2019, 53% xuất khẩu cá đông lạnh của Nga sang Trung Quốc đã vượt xa điểm đến lớn thứ hai là Hàn Quốc (23%).
Với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và sự cải thiện của sức mua quốc gia, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, không ô nhiễm và chất lượng cao. Xét về mức độ phổ biến, sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc là tôm, cá chim và mực.
Việc người tiêu dùng Trung Quốc theo đuổi hải sản chất lượng cao và tốt cho sức khỏe cũng được phản ánh trong các sản phẩm cao cấp như tôm hùm, cá hồi, cua huỳnh đế, bào ngư và sò điệp. Những sản phẩm chất lượng cao ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng trung lưu, và sự bổ sung của các kênh thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi khi mua hàng của người tiêu dùng.
Trong hai năm qua, ngành thủy sản toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, gây ra các rào cản thương mại quốc tế, làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sức mua của người tiêu dùng suy yếu. Nhưng so với các nước trên thế giới, tiềm năng tiêu thụ thủy sản tại thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Việc phục hồi dịch ở Trung Quốc nhanh hơn các khu vực khác nên nước ngoài rất coi trọng và triển khai tại thị trường Trung Quốc. Hiện tại, dịch bệnh viêm phổi mới đã được kiểm soát hiệu quả ở Trung Quốc, tiêu thụ thủy sản đang phục hồi.
Đồng thời, mức thu nhập của người dân Trung Quốc tiếp tục tăng, nhóm thu nhập trung bình và cao có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cao, triển vọng tiêu thụ thủy sản có nhiều triển vọng.
Sau dịch bệnh, thị trường thủy sản Trung Quốc sẽ được tiêu chuẩn hóa hơn trong tất cả các khía cạnh chế biến, lưu kho, vận chuyển và bán hàng theo chuỗi lạnh, điều này sẽ cải thiện chất lượng toàn ngành thủy sản và loại bỏ các thị trường và công ty chế biến không tuân thủ.
Dịch bệnh đã thay đổi tiêu chuẩn thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc, chất lượng và an toàn thực phẩm đã trở thành lựa chọn hàng đầu.
Giờ đây, các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc có thể truy xuất được nguồn gốc, người tiêu dùng phần lớn đã áp dụng biện pháp đảm bảo này. Ngoài ra, mã QR được áp dụng trên bao bì sản phẩm cho phép họ có được thông tin liên quan về sản phẩm: thành phẩm, chứng chỉ theo chuỗi, chứng nhận xuất xứ và được tư vấn về cách nấu thức ăn. Nhà sản xuất có thể truy cập dữ liệu người tiêu dùng và sử dụng dữ liệu đó một cách thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng và tăng cường kết nối giữa khách hàng và sản phẩm.
Vậy nên đây là xu hướng và cơ hội cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bởi chuỗi nhà hàng hải sản quy mô lớn ở TQ đang có đà phát triển mạnh mẽ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, giao thức ăn, lẩu, bữa ăn tập thể phát triển nhanh chóng. Các dịch vụ thông minh, kỹ thuật số và sáng tạo đã trở thành trọng tâm phát triển trong tương lai của ngành dịch vụ.
Dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản ngày càng cao, dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg so với 39,3 kg trong giai đoạn hiện nay. Sản xuất thủy sản bị hạn chế vì yếu tố môi trường trong cả khai thác và nuôi trồng, không đủ đáp ứng cho nhu cầu. Với sự cải thiện mức thu nhập của người dân và sự phát triển của dịch vụ hậu cần, thị trường tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Thương mại điện tử phát triển: sự bổ sung của các kênh thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi khi mua hàng của người tiêu dùng.
Thuế VAT và thuế nhập khẩu thủy sản tiêu thụ trong nước giảm. Thủy sản nhập khẩu được chế biến và bán ở Trung Quốc để tiêu thụ trong nước phải chịu mức thuế từ 7 đến 14 %. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành mức thuế suất tạm thời thấp hơn từ 2 đến 5% đối với một số sản phẩm. Vào năm 2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thủy sản đã giảm từ 10% xuống 9%.
Nam Dương