Thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quản lý chất lượng thực phẩm gặp khó

author 10:09 08/01/2018

(VietQ.vn) - Việc thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm thực phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng cũng như xử lý khi phát hiện vi phạm…

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn có những khó khăn nhất định.

Cụ thể, những quy định về quản lý ATTP trong chợ được quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT- BNNPTNT-BCT của liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương ngày 09/04/2014 đã có sự không nhất quán gây khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP.

Ngoài ra, hiện chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải cam kết bảo đảm ATTP không thực hiện cam kết theo quy định; Thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm thực phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như xử lý khi phát hiện vi phạm…

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết năm nay ngoài bảo đảm số lượng, chất lượng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh ATTP. Nếu công tác này không được tập trung quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp. Theo đó, cần phân công lại trách nhiệm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương trong quản lý đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và quản lý sản phẩm thực phẩm, bảo đảm nguyên tắc “quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Quản lý Thị trường kiểm tra hàng tết. Ảnh báo Đầu tư 

Để công tác bảo đảm ATTP dịp Tết 2018 cũng như trong cả năm 2018, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sớm báo cáo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Theo đó, phân công lại trách nhiệm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Công Thương trong quản lý đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và quản lý sản phẩm thực phẩm, bảo đảm nguyên tắc “quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm quản lý giữa các Bộ đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giao thoa hiện nay.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị UBND Thành phố bổ sung kinh phí đầu tư các trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, test nhanh để phát hiện ô nhiễm thực phẩm, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghiệp vụ kỹ năng quản lý và chuyên môn về ATTP cho cán bộ công tác về ATTP…

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2018, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về ATTP; kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, vận chuyển, buôn bán, thực phẩm không rõ nguồn gốc...; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chợ cóc, chợ tạm trung tâm thương mại trên địa bàn.

Theo thống kê, từ ngày 11/12/2016 đến ngày 10/12/2017, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.213 vụ vi phạm về ATTP. Trong đó, phạt hành chính 9,28 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Sử dụng người lao động không khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức ATTP, không mặc trang phục bảo hộ theo quy định; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định hoặc sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đã hết hạn; kinh doanh thực phẩm đã hết hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc...

Bảo Bình

Quảng Ngãi: Tăng cường kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm(VietQ.vn) - Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang