Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Kinh tế kỹ thuật số là chủ đề ưu tiên của APEC 2017

author 11:30 19/08/2017

(VietQ.vn) - Tại hội nghị trong khuôn khổ chuỗi sự kiện APEC 2017, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn, tồn tại của quá trình đô thị hóa.

Sự kiện: Chuỗi hoạt động của APEC Việt Nam 2017

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM3) và các cuộc họp liên quan của APEC 2017, ngày 18/8, Hội thảo APEC với chủ đề “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực Đô thị thông minh” đã diễn ra tại TPHCM.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số là một chủ đề ưu tiên của năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam và một trong những trọng tâm năm nay của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) là “Phát triển và thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số”.

Theo Thứ trưởng Tùng, những nội dung trao đổi tại Hội thảo là cơ hội tốt để các bên cùng nhau chia sẻ, bàn biện pháp cải tiến, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn và cơ chế đánh giá sự phù hợp liên quan tới phát triển bền vững mô hình đô thị thông minh trong khu vực APEC.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Tổng Thư ký APO Santhi Kanoktanaporn gặp gỡ trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh Người lao động

 

Đóng góp ý kiến tham luận tại hội thảo, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định rằng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước.

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Hiện dân số đô thị đạt khoảng 35,7% và ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị.

Sự phát triển mạnh mẽ này thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực khi hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa còn khiến hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập giữa khu dân cư đông đúc, mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia…

Việc xây dựng đô thị thông minh sẽ góp phần giải quyết những tồn tại của quá trình đô thị hóa. Ảnh minh họa: First Real 

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định rằng những tồn tại nêu trên hoàn toàn có thể giải quyết khi xây dựng đô thị thông minh. Điều này là có cơ sở bởi khi đô thị thông minh được hình thành, nó sẽ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, nhờ đó các cơ sở hạ tầng, dịch vụ công được sử dụng và cung cấp có hiệu quả, có tính tương tác cao hơn với người dân.

Lấy ví dụ như trong lĩnh vực giao thông đô thị, đô thị thông minh kiểm soát các phương tiện công cộng, các bãi đỗ xe, sử dụng các ứng dụng theo dõi quãng đường… để tính toán và điều tiết giao thông qua hệ thống đèn tín hiệu một cách khoa học nhất.

Không những thế, với các đô thị thông minh, an ninh cộng đồng cũng được đảm bảo nhờ việc quản lý hiệu quả các dịch vụ cứu hộ và khẩn cấp. Dựa vào các cảm biến, các camera thông minh cho phép phát hiện tình huống hoặc tai nạn phát sinh tại thời điểm thực, nhờ đó các lực lượng ứng cứu sẽ nhận được thông tin ngay lập tức, và triển khai phương án để xử lý và giải quyết.

Ngày 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM3) và các cuộc họp liên quan bước vào ngày làm việc đầu tiên với 11 cuộc họp, hội thảo.

Trong đó, có các cuộc họp và hội thảo quan trọng của Tiểu ban về thủ tục hải quan (SCC); Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật APEC (ACT-NET); Nhóm công tác về chống khủng bố (CTWG); Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống; Nhóm công tác về giao thông; Nhóm công tác về chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp; Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) và Đối thoại về công nghiệp ô tô.

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM3) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra từ ngày 18 - 30/8, là hội nghị SOM thứ tư kể từ đầu năm APEC 2017 và là đợt hội nghị lớn thứ 3 của Năm APEC. SOM3 bao gồm 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại của các ủy ban, nhóm công tác của APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học, công nghệ và sáng tạo, chống tham nhũng, y tế, ứng phó tình trạng khẩn cấp, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế...

Các đại biểu tham dự SOM3 và các cuộc họp liên quan sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới triển khai ngày càng cụ thể ưu tiên của Năm APEC 2017 cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Ủy ban, Nhóm công tác của APEC cũng sẽ thảo luận hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng APEC thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung và chương trình của Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Phong Lâm

SOM 3 APEC tại TPHCM: Hướng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp vào phát triển đô thị thông minh(VietQ.vn) - Sáng nay (18/8), Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp về đô thị thông minh trong khu vực APEC thuộc khuôn khổ Hội nghị SOM 3 APEC đã diễn ra tại TP.HCM.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang