Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh

author 06:47 06/12/2021

(VietQ.vn) - Để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất thông minh, việc hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh là hết sức cần thiết.

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. Nhất là khi mô hình sản xuất thông minh đang là tương lai của ngành sản xuất thời kì công nghiệp 4.0 và Việt Nam chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất thông minh, việc hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh là hết sức cần thiết.

TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, hệ sinh thái sản xuất thông minh bao gồm: cơ quan chính phủ; nhà hoạch định chính sách; tổ chức tư vấn; cơ sở đào tạo; tổ chức tài chính; đơn vị tư vấn giải pháp; tổ chức quốc tế... Và điều quan trọng nhất là nỗ lực của các doanh nghiệp triển khai sản xuất thông minh.

Việc hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh là hết sức cần thiết. Ảnh minh họa.

Cụ thể, cơ quan chính phủ gồm các bộ, ngành, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án về chuyển đổi số và sản xuất thông minh như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương...;

Các nhà hoạch định chính sách tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa như hành lang pháp lý; cơ chế tài chính; cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; các chính sách, chế độ tài chính, thuế, ưu đãi đầu tư...;

Các tổ chức tư vấn sản xuất thông minh thực hiện các hoạt động tư vấn về năng suất, giải pháp thúc đẩy năng suất và chuyển đổi kỹ thuật số. Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với sản xuất thông minh ở mức tương đối thấp, do đó các tổ chức tư vấn cần tập trung vào hoạt động tư vấn về hệ thống tiêu chuẩn và các công cụ năng suất cơ bản như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 450001; 5S; KPI; TPM;... Trên cơ sở các hệ thống, công cụ này đã được ứng dụng một cách bài bản tại doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn sản xuất thông minh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp triển khai giải pháp chuyển đổi số và sản xuất thông minh để nâng cao năng suất;

Tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo sản xuất thông minh cho doanh nghiệp. Trước hết, các tổ chức đào tạo cần tập trung vào việc giáo dục doanh nghiệp về công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nhận thức cho lãnh đạo doanh nghiệp. Các tổ chức đào tạo nên tập trung vào đào tạo về các vấn đề tiêu chuẩn sản xuất thông minh;

Cơ quan hỗ trợ tài chính, cụ thể Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 được coi là chương trình trọng tâm, quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số;

Đơn vị tư vấn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn vị tư vấn giải pháp giúp kết nối dữ liệu hệ thống máy móc, thiết bị hiện có của doanh nghiệp và hệ thống mới do doanh nghiệp đầu tư; kết nối doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, các giải pháp công nghệ thông tin thường được sử dụng bao gồm: Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Quản lý chuỗi cung ứng (SCM), Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM)...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang