Xử lý triệt để ô nhiễm ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn

(VietQ.vn) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; xử lý triệt để ô nhiễm ở Hà Nội và TP. HCM và các thành phố lớn.
Doanh nghiệp miền núi đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng góp phần thúc đẩy năng suất
Nâng cao năng suất chất lượng giúp sản phẩm hồ tiêu vào các thị trường khó tính
Sunshine Group bổ nhiệm ông Đỗ Văn Trường làm Tổng Giám đốc, tái cấu trúc trên toàn hệ thống
Ô nhiễm không khí ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn trong những tháng gần đây. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) tại các đô thị như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) có ngày ghi nhận ở ngưỡng rất xấu, gây nguy hại cho sức khỏe người dân, nhất là trong giai đoạn mùa xuân như hiện nay, thường có sương mù khiến khói bụi bị giữ lại càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí.
Không chỉ Hà Nội, TP. HCM và các thành phố công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng… cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt vào những tháng mùa khô, khi sương mù và khói bụi tăng cao.
Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Ra đường trong bầu không khí ngột ngạt, bụi mịn bao phủ màu trắng đục, mỗi người dân đều cảm nhận rất rõ nét những tác động xấu của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt tình trạng ô nhiễm không khí đang khiến hàng triệu trẻ em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch và suy giảm miễn dịch do hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, hệ lụy sức khỏe lâu dài là không thể tránh khỏi.

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Đã đến lúc cần phải quyết liệt xử lý vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn. Nhiều biện pháp đang được đề ra như phát triển giao thông xanh, áp dụng vùng phát thải thấp, tăng cường hệ thống quan trắc, nhưng quan trọng là những giải pháp dù ngắn hạn hay dài hạn cần phải có sự quyết liệt thực thi.
Theo các chuyên gia, chưa cần có kiểm kê khí thải, những nghiên cứu gần đây đều cho thấy giao thông là nguồn gây ô nhiễm đáng báo động của Hà Nội. Thủ đô xây dựng Nghị quyết về vùng phát thải thấp có hiệu lực từ đầu năm nay. Tuy nhiên để thực thi, có những hạng mục phải chờ đợi cấp cao hơn.
"Để làm được điều đó, chúng ta phải chờ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với phương tiện tham gia giao thông, cụ thể là xe máy", PGS.TS. Hoàng Anh Lê (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
"Tiêu chuẩn hiện nay về khí thải với ô tô lưu hành ở Việt Nam chưa được chặt chẽ, cần được rà soát, sửa đổi. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiến hành xây dựng quy chuẩn mới đối với khí thải ô tô, hiện quy chuẩn này đã được trình Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định. Chúng tôi cũng đang báo cáo với Tủ tướng Chính phủ", ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay.
Còn để có giải pháp đường dài hiệu quả, chữa bệnh nhất thiết phải bắt được bệnh chính xác. Hà Nội hay TP. HCM cần hoàn thành ngay kiểm kê khí thải và củng cố máy móc đo ô nhiễm. Hà Nội từ 35 trạm của năm 2020 giờ chỉ có 7 trạm cập nhật số liệu. Còn TP. HCM thậm chí không có dữ liệu từ tháng 8/2024 khi máy móc quan trắc còn đang trong thời gian đấu thầu.
Trước thực trạng này mới đây Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1767/VPCP-TKBT về việc triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Trong đó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung quán triệt và thực hiện thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM và các thành phố lớn.
Về các vấn đề cấp bách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.
Theo Thủ tướng, tình trạng ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, môi trường các dòng sông là những vấn đề cấp bách. Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa bắt kịp với xu thế của thời đại, kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Phát triển công nghiệp, các dự án FDI còn có những hạn chế, chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành.
Việc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh tại một số địa phương còn chậm, chưa thực sự quyết liệt. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn chưa chặt chẽ. Đầu tư công chưa phát huy vai trò dẫn dắt. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn có những hạn chế.
Nhấn mạnh đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng cho biết cần ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 ít nhất 8% và đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phải quán triệt tinh thần nói trên, với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết vấn đề sát tình hình thực tế, kịp thời phù hợp, hiệu quả.
An Dương (T/h)