Thực phẩm ‘bẩn’ dịp cận Tết: Nỗi lo thường trực
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm những ngày cận Tết tăng cao, cùng với đó là nguy cơ thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường. Từ chợ tự phát đến các sạp hàng online, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm vệ sinh vẫn được bày bán, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cảnh báo lừa đảo quốc tế thông qua các ứng dụng Google Calendar và Facebook
Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi nylon filament yarn
Đầu tư bất động sản: Tầm nhìn ở chu kỳ mới
Sự việc một doanh nghiệp sản xuất giá đỗ với tiêu chí “sạch, an toàn” nhưng thực chất lại mua hóa chất cấm, cực kì độc hại để thúc giá đỗ lớn nhanh, mẩy đẹp, bán số lượng lớn ra thị trường và vào cả chuỗi bách hóa đã khiến người tiêu dùng khắp cả nước hết sức lo ngại.
Bên cạnh chợ tự phát, thị trường thực phẩm online là một trong những môi trường tiềm ẩn nguy cơ thiếu ATTP và khó xử lý. Trong vài năm trở lại đây, xu hướng mua thực phẩm online ngày càng phổ biến, đặc biệt vào dịp Tết. Các loại bánh kẹo, mứt nhà làm, giò chả thủ công được quảng cáo "100% tự nhiên”, “sạch và an toàn”, nhưng có những sản phẩm không có giấy tờ kiểm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng chỉ dựa trên hình ảnh đẹp và lời quảng cáo hấp dẫn, tuy nhiên, không ít trường hợp nhận hàng về thì “ngã ngửa” vì thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hoặc không giống quảng cáo. Nghiêm trọng hơn, một số thực phẩm còn chứa chất bảo quản vượt mức cho phép hoặc bị nhiễm khuẩn, gây hại đến sức khỏe người sử dụng mà người mua hoàn toàn không biết.
Cùng với thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc cũng đang đổ vào thị trường dịp cận Tết. Tại các chợ đầu mối và một số kênh bán online bánh kẹo, trái cây, thực phẩm khô được rao bán với giá cực rẻ, nhưng không có tem nhãn phụ, giấy kiểm định chất lượng. Một số sản phẩm qua kiểm tra của cơ quan chức năng còn bị phát hiện nhiễm hóa chất độc hại hoặc đã hết hạn sử dụng.
Theo chuyên gia y tế, thực phẩm “bẩn” để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những chất bảo quản độc hại, hóa chất nhuộm màu tích tụ trong thực phẩm bẩn, ngấm vào cơ thể có thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, tổn thương gan, thận. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm “bẩn” cũng gây thiệt hại kinh tế, không chỉ vì chi phí điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chân chính.
Bánh kẹo màu sắc lòe loẹt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán trên thị trường.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng. Các địa phương, đơn vị cần phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Trước sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường cũng rà soát, phân loại website bán hàng, sàn thương mại điện tử để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Lực lượng cũng phối hợp các ngành chức năng trong việc thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để hoạt động thương mại điện tử ngày càng minh bạch, phục vụ tốt người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hoá thường xuyên, kiểm tra theo chuyên đề để đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; xử lý vi phạm đối với hành vi găm hàng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết và các hành vi gian lận thương mại khác...
Thanh Hiền (t/h)