Thực phẩm bẩn: Người tiêu dùng đang “sống trong sợ hãi”

author 17:05 04/06/2013

(VietQ.vn) - Việc sử dụng bừa bãi hóa chất cấm trong sản xuất và bảo quản thực phẩm đang là vấn đề khiến cho người tiêu dùng Việt Nam lo lắng.

 

Sử dụng chất cấm sản xuất bim bim

Tháng 12/2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở sản xuất Bim Bim tại huyện Hoài Đức, Hà Nội - do bà Nguyễn Thị Duyên quản lý, đã phát hiện, thu giữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuất Bim Bim do Trung Quốc sản xuất, được cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường.

Đáng chú ý, lực lượng công an phát hiện cơ sở sản xuất này đã “độn” đường Cyclamate vào Bim Bim. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận: tất cả các sản phẩm Bim Bim sản xuất ra đều chứa đường Cyclamate và phẩm màu công nghiệp.

Được biết, đường Cyclamate không được phép sử dụng trong thực phẩm, có độ ngọt gấp 1.000 lần đường trắng thông thường. Sử dụng đường Cyclamate, khi vào cơ thể chúng không sinh năng lượng, không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể tích luỹ gây độc cho gan, thận... thậm chí gây ung thư bàng quang.

 

Phát hiện chì, muối diêm trong ngô luộc

Tháng 10/2012, người tiêu dùng được phen tá hỏa khi "công nghệ" luộc ngô được phanh phui trên báo chí. Lúc bấy giờ họ mới biết được nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm chỉ vì sở thích ăn hàng ngày. Hàm lượng chì vào trong cơ thể quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh...

Theo những người bán ngô, muốn nấu ngô ngọt, thơm, tươi và để lâu không bị ôi thiu, khi nấu ngô người ta còn cho thêm hương vị, đường hóa học, muối diêm. Sau khi ra lò, ngô sẽ rất ngon và tươi như mới chặt vào luộc, người ăn khó có thể phát hiện.

Theo các nhà nghiên cứu, khi chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa. Còn muối diêm nếu dùng quá giới hạn có thể gây rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa thành chất gây ung thư, nhất là ung thư gan, dạ dày. Món ăn vặt yêu thích hàng ngày của nhiều người lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do chính người kinh doanh gieo rắc mầm bệnh.

 

Lạc càng trắng, hóa chất càng nhiều

Lạc luộc là món ăn bình dân được nhiều người ưa thích. Hầu như dọc các vỉa hè, các con phố đâu đâu cũng bắt gặp những gánh hàng rong bán khoai kèm lạc luộc. Món quà quê này không chỉ hấp dẫn bởi vị bùi bùi mà còn ở giá thành phù hợp với túi tiền của nhiều người. Với điểm cộng đó, lạc luộc không chỉ rong ruổi trên các con phố mà còn "đàng hoàng" bước chân vào các quán nhậu, bia hơi bình dân. Tuy nhiên, để lạc luộc đảm bảo mềm ngọt mà vỏ ngoài lúc nào cũng nõn nà, người bán không ngần ngại dùng đủ mọi loại hóa chất để "phù phép".

Sử dụng hóa chất vừa đẩy nhanh công đoạn chế biến, màu sắc bắt mắt lại vừa lưu giữ được qua nhiều ngày, không sợ thiu thối nên hầu hết các quán nhậu đều sử dụng chất phụ gia này. Thông thường, lạc khi luộc xong sẽ bị thâm đen. Còn muốn để lạc qua nhiều ngày mà vẫn nõn nà thì ngâm axit chanh trước khi luộc. Đây là một loại hóa chất tẩy thường được các nhà hàng dùng để làm trắng hoa chuối, ngó sen... trước khi chế biến.

 

Gừng nhiễm hóa chất

Mới đây, dư luận được một phen hú vía khi có thông tin ở Việt Nam xuất hiện loại gừng Trung Quốc có chất gây ung thư. Trước những tin đồn đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra các mẫu gừng ở Hà Nội và TP.HCM và đã phát hiện ra có một mẫu gừng có tồn dư chất hóa học quá mức cho phép.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục BVTV đã bổ sung Aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải kiểm tra ATTP đối với gừng và các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Đồng thời, Cục cũng đã khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, Cục BVTV khuyến cáo người sử dụng gừng nên rửa sạch và bóc kỹ vỏ củ gừng trước khi sử dụng. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra và thông báo rộng rãi kết quả đến người tiêu dùng trong cả nước.

 

Phát hiện hóa chất lạ trong giá đỗ

Gần đây nhất (7/5), đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh thực phẩm TP HCM phát hiện 2 cơ sở sản xuất giá đỗ dùng hóa chất và đậu xanh không rõ nguồn gốc để ủ thành những cọng giá đẹp mắt, không có rễ, lá.

Chủ 2 cơ sở khai nhận, đỗ xanh là nguyên liệu để sản xuất giá được giao tận nơi với chi phí khoảng 2 triệu đồng một bao (loại 50kg). Số hóa chất cũng được chào hàng tận cơ sở với giá vài chục nghìn đồng một vỉ 20 tuýp. Chủ cơ sở cho biết mua loại đỗ xanh này để sản xuất giá đẹp, bởi đậu trong nước cho ra sợi giá nhỏ, khó bán. Theo họ, những hạt đỗ được ngâm hóa chất, quá trình ủ sẽ ra giá không có rễ và lá mà lại to đẹp, nhờ vậy dễ bán hơn.

Xác định 2 cơ sở này đã sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong hoạt động sản xuất và không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính. Mỗi cơ sở bị phạt 20,4 triệu đồng.

Những vụ bê bối về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ gây nhức nhối cho những nhà quản lý mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh rất lớn đối với người sử dụng. Với tình trạng như vậy, không biết người tiêu dùng Việt Nam đến bao giờ mới thôi lo lắng?

Ngọc Nữ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang