Thực phẩm “bẩn” nóng tuần qua

author 08:19 01/09/2013

(VietQ.vn) – Sử dụng hóa chất, phụ gia để biến thịt ôi thiu thành thịt tươi, thậm chí dùng nước bẩn để tăng trọng lượng cho bò. Những vấn đề về mất an toàn thực phẩm trở thành điểm nóng trong tuần qua.

Hóa chất, phụ gia tẩm ướp thực phẩm, thúc chín trái cây

Giấm “tẩy” thịt, cá ôi thiu thành... tươi

Qua rà soát trong sáng 28-8, các trinh sát của đơn vị Đội CSĐT về TTQLKT&CV – CAQ Hoàn Kiếm phát hiện tại số nhà 35, ngõ 203 đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm tập kết 40 thùng hàng, bên trong đựng nhiều loại chất phụ gia có nhãn mác in chữ Trung Quốc. Những thùng hàng này bao gồm 1.000 chai dầu hào, 300 kg mù tạt, 200 chai dầu ăn, gần 500 chai giấm đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Theo các trinh sát, loại giấm này được một số người kinh doanh dùng để “tẩy rửa” biến thịt, cá ôi thiu bốc mùi thành thực phẩm tươi sống, đánh lừa người tiêu dùng. Chủ nhà là Nguyễn Công Hùng (SN 1970), đồng thời cũng là chủ số hàng trên khai đã mua số phụ gia nhỏ lẻ, trôi nổi trên thị trường; sau đó mang bán cho các đại lý khác trong thành phố để kiếm lời. Vụ việc đang được Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hoàn Kiếm làm rõ.

Phát hiện 20 tấn chân trâu, bò thối

Ngày 27-8, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Thị xã Dĩ An – Bình Dương bất ngờ phát hiện 2 container đông lạnh chứa chân trâu bò thối tại Công ty Cơ nhiệt Sài Gòn, đóng tại khu phố Tân Phú, phường Tân Bình – Dĩ An.

Bên trong 2 container đầy ắp chân bò, xương bò, đuôi bò và thịt dăm đã biến chất, bốc mùi rất khó chịu. Thông tin ban đầu, nguồn gốc số hàng hóa trên là của ông Nguyễn Văn Thanh, bạn của một lãnh đạo Công ty Cơ nhiệt Sài Gòn. Do có quan hệ nên ông Thanh đã gửi tại đây 2 container chân trâu bò suốt 3 tháng nay.
Đến cuối ngày, cơ quan chức năng vẫn chưa truy rõ số hàng này có nguồn gốc từ đâu và sử dụng vào mục đích gì vì ông Thanh chưa hợp tác cung cấp thông tin, giấy tờ liên quan.

Đoàn kiểm tra gồm Công an TX Dĩ An và Chi cục Thú ý TX Dĩ An đã tiến hành niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên và lập biên bản kiểm tra để xác minh làm rõ.

Trước đây, ở Bình Dương và TPHCM, cơ quan chức năng cũng nhiều lần phát hiện những container đông lạnh chứa hàng chục tấn chân trâu bò thối. Hầu hết chủ số hàng trên đều bỏ nhận. Theo giấy tờ cơ quan chức thu thập có trường hợp chân trâu, bò thối được xay làm thức ăn chăn nuôi nhưng cũng có trường hợp được dùng làm thực phẩm cho người.

Tăng trọng bò bằng... nước giếng

TP Ðà Nẵng hiện có 3 cơ sở giết mổ lớn, trong đó có cơ sở chế biến của bà Hoàng Thị Minh Huy (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), cơ sở giết mổ HTX Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện việc bơm nước vào bò để thu lợi bất chính ở 2 cơ sở này. Việc giết mổ bắt đầu từ 23 giờ đêm trước đến gần 4 giờ ngày hôm sau để cung cấp cho các điểm kinh doanh, buôn bán nhỏ. Ðể tăng trọng lượng của bò, các chủ bò đã bơm nước vào dạ dày chúng. Theo một chủ cơ sở giết mổ thì mỗi con bò sau khi được bơm nước tăng khoảng 20% trọng lượng cơ thể và thu lợi được từ 2-3 triệu đồng/1 con.

Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Ðà Nẵng, cho biết mỗi đêm, các cơ sở giết mổ khoảng 30 con bò, thu lợi từ việc bơm nước lên đến hơn 60 triệu đồng. Thông thường các chủ bò mang đến lò mổ một đoạn ống dẫn nước mềm dài khoảng 1,5 m, đưa thẳng vào dạ dày rồi dùng bơm áp lực để đẩy nước từ bên ngoài vào cơ thể bò cho đến khi bò trương lên. Các chủ lò mổ mặc dù biết việc này nhưng làm ngơ bởi lợi nhuận từ việc làm trên được chia đều. "Ðây là hình thức cưỡng bức bò để thu lợi bất chính, vi phạm quy định về việc giết mổ gia súc, gia cầm" - ông Tới khẳng định.

Theo ông Trần Tới, thịt bò được bơm nước để lâu thì từ 1 kg sẽ giảm còn khoảng 0,8 kg. "Thịt bò bơm nước có giá rẻ hơn nên cạnh tranh với thịt bò không bơm nước làm những người kinh doanh chân chính đứng trước nguy cơ bị lỗ" - ông Tới cho hay.

Ngoài ra, qua kiểm tra, Chi cục Thú y TP Ðà Nẵng phát hiện loại nước bơm vào cơ thể bò phần lớn là nước giếng bơm. Do nằm ngay trong khu vực giết mổ nên nguồn nước rất ô nhiễm. Ông Tới cho rằng khi nước ô nhiễm vào cơ thể bò sẽ thấm qua các mao mạch đến tế bào gây nhiễm vi sinh. Vì vậy, nếu người tiêu dùng ăn thịt bò tái thì sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.

Sữa đậu nành được làm từ hóa chất

Sữa đậu nành từ hoá chất

Sữa đậu nành vốn là thức uống khoái khẩu của người dân Sài Gòn. Thế nhưng thật khó để phân biệt những ly sữa đậu thơm mát bán đầy các đường, các chợ ấy được làm từ đậu nành thật hay là hóa chất mua ở chợ Kim Biên. Trong hàng loạt các loại hoá chất nấu bún bò, tạo vị trà chanh được bán nhan nhảm ở chợ Kim Biên, việc tìm mua bột pha sữa đậu nành thật chẳng khó khăn gì. Loại bột pha sữa đậu nành có giá chỉ 80.000 đồng/kg.

Theo lời tiểu thương trong chợ giới thiệu, chỉ cần vài thìa bột này pha vào nước cùng với vài giọt tinh dầu đậu nành đun sôi lên là đã có thứ nước trắng sữa có mùi thơm y hệt sữa đậu nành. Còn muốn ngọt nhanh mà rẻ thì cho thêm đường hóa học. Được biết, 1kg loại bột sữa này có thể làm ra 200 ly đậu nành loại 5.000 đồng thường được bán ở vỉa hè.

Bà Tô Thị Hằng, làm việc tại Công ty giám định Vinacontrol (chi nhánh TP.HCM) cho biết "Rất khó để giám định được sữa đậu nành thật, giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường hay phân biệt qua đường mũi. Hiện, chúng tôi chưa xác định được loại bột này có chứa các thành phần hóa chất nào. Nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng".

H.Thanh (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang