Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc trị bệnh

author 13:22 17/10/2013

PGS.TS Trần Đáng khẳng định: "Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh".

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Tuy nhiên, xét về khía cạnh hướng dẫn người bệnh thì bác sĩ hoàn toàn được ghi vào đó những loại thực phẩm và những thứ không phải là thuốc. Do đó, việc cấm bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng TPCN là bất hợp lý.", PGS. TS Trần Đáng nói.
 
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển rất nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2000 cả nước mới chỉ có khoảng 13 sản phẩm thực phẩm chức năng, thì đến giờ con số này đã tăng lên gấp hơn 300 lần với hơn 5.500 sản phẩm. Vì TPCN không phải là thuốc nên không chiụ sự quản lý của Bộ Y tế, điều này đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều bất cập: Người tiêu dùng phải mua TPCN với giá trên trời, quảng cáo quá mức công năng, sự lập lờ trong cách ghi nhãn mác…
 
PV đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng về những bất cập nêu trên.
 
* Không ít người dân lầm tưởng TPCN là một loại thuốc chữa bệnh. Xin ông cho biết những công dụng của thực phẩm chức năng? 
 
- Một số loại TPCN được quảng cáo quá mức, không đúng tác dụng thực, khiến người tiêu dùng nghĩ TPCN có thể chữa khỏi bệnh, thậm chí chữa cả ung thư. Tôi khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh. Tất nhiên, khía cạnh phòng ngừa bệnh rất hữu ích, vì trong xã hội hiện đại có nhiều bệnh mãn tính mà nguyên nhân là do ăn uống, làm việc, sinh hoạt không khoa học. TPCN có tác dụng bổ khuyết những vấn đề này để phòng bệnh.
 
Thực phẩm chức năng hoạt động theo 3 cơ chế. Thứ nhất, tăng cường sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch.
 
Thứ hai, bản thân TPCN có một số hoạt chất tác động trực tiếp vào các nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn, chất asom trong tinh dầu thông đỏ tiêu diệt các tế bào ung thư, chát eriduit trong các sản phẩm thực vật hỗ trợ tăng sức đề kháng, kháng vi khuẩn và vi-rút, làm giảm mỡ máu, giảm đường máu.
 
Thứ ba, TPCN làm giảm tác dụng phụ và những tai biến của tân dược. Ví dụ, người nào điều trị ung thư bằng hóa chất và xạ trị thì các hóa chất xạ trị đó không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt cả tế bào non bình thường, gây rụng tóc, rụng lông, viêm niêm mạc dạ dày… TPCN sẽ làm tăng hiệu quả của tân dược, hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư hoặc hỗ trợ tấn công các nguyên nhân gây bệnh
 
Đến nay, chưa có một tổ chức quốc tế nào đươc ra định nghĩa đầy đủ về TPCN. Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất quốc tế nhưng thuật ngữ TPCN đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 

Ảnh minh họa.

 
Thực phẩm chức năng nằm ở giới hạn thực phẩm và thuốc. Nó khác thuốc ở chỗ nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn sức khỏe, trong khi đó thuốc được công bố là thuốc có tác dụng chữa bệnh, có công dụng, liều dùng và chống chỉ định. 
 
* Sự phát triển như vũ bão của các sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay khiến cơ quan chức năng đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
 
- Sự phát triển quá nhanh của thực phẩm chức năng đã gây ra nhiều thách thức cho cơ quan nhà nước. Hiện nay hành lang pháp lý về quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam chưa rõ ràng, dẫn đến những bất cập và nhiều nguy cơ. 
 
Thứ nhất là việc quảng cáo trên truyền hình, nhiều sản phẩm đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là một sản phẩm có thể chữa được bách bệnh, là thần dược. Có khá nhiều quảng cáo không theo quy định của cục thực phẩm về kiểm duyệt.
 
Ví dụ như có quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh tiểu đường, bệnh gút tận gốc, chữa được ung thư là chưa chính xác. Bởi thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ, làm giảm nguy cơ bệnh tật chứ không chữa được bệnh tận gốc.
 
Thứ hai, hiện nay có nhiều sản phẩm được lưu hành trên thị trường tuy nhiên chưa được đánh giá về chất lượng, an toàn và hiệu quả. Chẳng hạn như một số loại rượu tự sản xuất, chế biến, không công bố tiêu chuẩn chất lượng vẫn được bày bán ở các nhà hàng như rượu bổ, rượu thuốc.
 
Để công tác kiểm nghiệm, giám sát được chặt chẽ hơn, Trung tâm kiểm nghiệm về thực phẩm chức năng của Hiệp hội TPCN đã được thành lập. Trung tâm đã kiểm nghiệm, phát hiện và xử lý nhiều sản phẩm như thực phẩm chức năng quảng cáo chữa tận gốc bệnh tiểu đường do một cơ sở của Việt Nam sản xuất, thực phẩm chức năng chữa được ung thư... không đúng sự thật, các hoạt chất thành phần không đủ. 
 
* Giá nhiều loại thực phẩm chức năng hiện nay đang ở mức quá cao. Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
 
- Giá thực phẩm chức năng đắt một phần là do công nghệ sản xuất đòi hỏi công nghệ sản xuất thuốc với nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Thêm vào đó, việc phải chịu mức thuế cao, từ 25-30% (chiếm tới 1/3 giá trị của sản phẩm) và lợi nhuận của nhà bán hàng quá cao. Đó là những nguyên nhân đẩy giá thành của sản phẩm này lên cao.
 
Theo tôi được biết, chẳng hạn như có một sản phẩm thực phẩm chức năng bán tại Budapest (Hungary) có giá trị tương đương là 300.000 đồng. Song khi về đến Việt Nam, qua các khâu thuế và nhà phân phối, sản phẩm này đã “đội giá” lên tới mức gần 2 triệu đồng.


PGS.TS Trần Đáng khẳng định: "TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh".

 

 
* Hiện, còn nhiều bất cập trong quản lý giá TPCN. Làm thế nào để người dân có thể mua được TPCN đúng với giá trị thực của chúng, thưa ông?
 
- Giá nhiều loại TPCN hiện quá cao so với giá trị thực của chúng nên đã hạn chế người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Do đó, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ giá thành, giá bán các loại sản phẩm TPCN.
 
* Trên thị trường có quá nhiều loại TPCN trôi nổi, ông đánh giá thế nào về điều này?
 
- Bộ Y tế đang hướng tới việc ban hành một thông tư về quản lý TPCN, chúng tôi hy vọng thông tư này sẽ phù hợp với điều kiện Việt Nam và thế giới.
 
Có thông tư rồi, Nhà nước cũng cần kiện toàn lực lượng quản lý ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở, đồng thời phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành, với đội ngũ cán bộ am hiểu sâu về TPCN thì mới kiểm tra được. Tôi thấy hiện nay, nhiều khi cán bộ đi kiểm tra, họ thường đọc sai thành phần ghi trên nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng, vì trình độ của họ về lĩnh vực này rất hạn chế, dẫn đến hiện tượng cán bộ thanh tra tự ý xử lý, kết luận, góp phần gây “loạn” thị trường TPCN.
 
* Bộ Y tế cấm bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
- Nếu nói là một đơn thuốc thì bác sĩ chỉ kê thuốc ở trong đó thôi, dĩ nhiên TPCN không phải là thuốc. Tuy nhiên, xét về khía cạnh hướng dẫn người bệnh thì bác sĩ không chỉ ghi đơn thuốc, mà còn ghi những lời dặn dò vào sổ khám chữa bệnh như chế độ ăn uống, sinh hoạt… như vậy, ở phần này bác sĩ hoàn toàn được ghi vào đó những loại thực phẩm và những thứ không phải là thuốc. Do đó, việc cấm bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng TPCN là bất hợp lý.
 
* Việc ngộ nhận về tác dụng của thực phẩm chức năng dân đến những nguy cơ gì và ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng?
 
Người tiêu dùng chưa hiểu hết về thực phẩm chức năng có thể dẫn đến nguy cơ tiền mất tật mang. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là người sử dụng sản phẩm nên hỏi các chuyên gia tư vấn trực tiếp, hoặc hỏi cơ quan chức năng kiểm duyệt về các sản phẩm thực phẩm chức năng và loại sản phẩm định mua. Với những người bán hàng đa cấp nên hỏi họ để hiểu thông tin xem sản phẩm đó đã được kiểm định và thử nghiệm lâm sàng chưa.

Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang