Thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi cổng trường, hơn 200kg bị tiêu hủy

(VietQ.vn) - Thanh tra Sở Y tế Điện Biên buộc 8 cơ sở vi phạm phải tiêu hủy hơn 200kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, chủ yếu là hàng ăn sẵn bày bán gần cổng trường học.
'Nóng' tình trạng buôn lậu, hàng giả : Siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm
Mô hình tăng trưởng xanh: Mở cửa cho doanh nghiệp hội nhập, phát triển
Vì sao Ford Việt Nam thu hồi xe Explorer 2020–2023?
Từ ngày 24/4 đến 16/5, Thanh tra Sở Y tế Điện Biên tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Kết quả cho thấy 8 cơ sở vi phạm các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Theo ông Trần Ngọc Diệp – Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Điện Biên, các cơ sở bị phát hiện kinh doanh tổng cộng hơn 200kg hàng hóa và thực phẩm không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này chủ yếu là thực phẩm ăn sẵn như chân gà, xúc xích, bánh kẹo, củ cải muối và sữa.
Đáng chú ý, phần lớn các loại thực phẩm bị tiêu hủy có bao bì in chữ nước ngoài (chủ yếu là tiếng Trung Quốc), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Các cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Điều đáng lo ngại là nhiều sản phẩm trong số này được bày bán phổ biến tại các quán tạp hóa gần trường học. Đối tượng tiêu dùng chính là học sinh – nhóm người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi các sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, giá rẻ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.
Ông Trần Ngọc Diệp cho biết, công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn hàng hóa trôi nổi tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, kinh phí cho việc lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm còn hạn chế.
Trước khi đoàn kiểm tra phát hiện, buộc tiêu hủy thì các loại hàng xúc xích, chân gà (như trong ảnh) được bày bán công khai trong một siêu thị trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Trước tình hình đó, Thanh tra Sở Y tế đã kiến nghị Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ xung quanh khu vực trường học.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ tiếng Việt nếu nhãn gốc không đầy đủ thông tin. Nếu vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức phạt lên đến 200 triệu đồng.
Thực tế hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm có bao bì hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, được bày bán tại chợ, cửa hàng tạp hóa, thậm chí trong một số siêu thị nhỏ. Việc thiếu thông tin rõ ràng về sản phẩm khiến người tiêu dùng không thể xác định được thành phần, công dụng hay hạn sử dụng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc, dị ứng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường thực phẩm và nâng cao nhận thức cộng đồng là nhiệm vụ cấp thiết.
Cơ quan chức năng được khuyến nghị tăng cường kiểm tra đột xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động lựa chọn sản phẩm an toàn. Người tiêu dùng cần trở thành người mua hàng thông thái, tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ, không thông tin minh bạch về xuất xứ.
Thanh Hiền (t/h)