'Nóng' tình trạng buôn lậu, hàng giả : Siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm

(VietQ.vn) - Hàng giả, buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, đặc biệt trên thương mại điện tử. Lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra, xử lý để bảo vệ thị trường và người tiêu dùng.
Mô hình tăng trưởng xanh: Mở cửa cho doanh nghiệp hội nhập, phát triển
Trung Quốc tiên phong áp dụng tiêu chuẩn về nền kinh tế số bao gồm xã hội già hóa
Bay thẳng từ Hà Nội đến Tây An, Thành Đô cùng Vietjet, tận hưởng Trung Quốc đắm say
Tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả ngày càng gia tăng, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử, khiến thị trường tiêu dùng trở nên phức tạp và mất an toàn. Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện trên cả kênh phân phối truyền thống lẫn trực tuyến khiến người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin vào hàng hóa trong nước. Các đối tượng vi phạm ngày càng tổ chức bài bản, sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hóa, né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tại tỉnh Phú Yên, Sở Công Thương đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 và Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng Quản lý thị trường địa phương phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan và các sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất các kho hàng, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở sản xuất, điểm tập kết hàng hóa cũng như hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Ông Phạm Xuân Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cho biết, lực lượng chức năng đã tăng cường giám sát các nhóm hàng dễ bị lợi dụng để buôn lậu như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, đường, thuốc lá, phân bón… Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát trên các nền tảng thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra xe tải biển số 36H-042.11 do ông Vũ Đình Tú (trú Hải Dương) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe vận chuyển 1 tấn thực phẩm chay (chả cây) đóng trong 25 thùng xốp không có hóa đơn, chứng từ và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Tú bị xử phạt hành chính 17 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm.
Tại Bắc Ninh, cuối tháng 4/2025, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất “nước mắm” từ nước lã pha muối, hương liệu và phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai nhận tiêu thụ hơn 1.000 lít mỗi tháng, chủ yếu cung cấp cho các quán ăn bình dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tại Tây Ninh, hơn 2 tấn “hạt nêm” nghi ngờ có pha bột đá và chất độn công nghiệp bị niêm phong. Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng thu giữ hàng ngàn chai tương ớt giả thương hiệu nổi tiếng, chứa dung dịch không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ gia vị và thực phẩm tươi sống, các sản phẩm dành cho trẻ em như sữa bột, bột ăn dặm, bánh kẹo cũng trở thành mục tiêu của các đối tượng làm hàng giả nhằm trục lợi.
Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa bột giả với số lượng lớn hoạt động tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi một số người nổi tiếng cũng tham gia quảng bá cho các sản phẩm giả, bất chấp tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng nghìn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan Công an thu giữ.
Điển hình là vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam ngày 19/5 vì hành vi lừa dối khách hàng. Cơ quan điều tra xác định, người đẹp này đã góp vốn vào Công ty Chị Em Rọt để thổi phồng công dụng sản phẩm, thu lợi hơn 7 tỷ đồng.
Song song với việc siết chặt kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ tác hại và hậu quả pháp lý của việc buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc ký cam kết không vi phạm được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương, đặc biệt với các hộ kinh doanh online và các nhóm bán hàng qua mạng.
Về mặt pháp lý, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu gây thiệt hại lớn hoặc tái phạm nhiều lần, với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù và tiền phạt lên tới 7 tỷ đồng. Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 và 193 có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Ngoài ra, trường hợp vi phạm chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức phạt từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cùng biện pháp khắc phục như tiêu hủy hàng hóa, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động.
Không chỉ xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng còn được giao nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế pháp lý, phân định rõ thẩm quyền xử lý giữa các lực lượng, tránh chồng chéo, bỏ sót vi phạm. Các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường dùng chung, kết nối với các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại.
Thị trường hàng hóa chỉ có thể lành mạnh và phát triển bền vững khi các hành vi vi phạm bị xử lý triệt để, đồng thời nhận được sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phạm Thanh Hiền