Thực trạng, nhu cầu đổi mới công tác quản lý chất lượng của doanh nghiệp Việt

author 15:55 16/07/2020

(VietQ.vn) - Công tác quản lý chất lượng có vai trò quan trọng, tác động nhiều mặt và sâu sắc đến hầu khắp các lĩnh vực, từ sản xuất - kinh doanh, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho đến bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khoẻ của con người, bảo đảm công bằng xã hội và lợi ích quốc gia.

Từ các doanh nghiệp lớn

Đối với các doanh nghiệp lớn, là đầu tàu trụ cột của nền kinh tế luôn có vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sức mạnh đồng thuận mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500 ngàn doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề với rất nhiều hiệp hội như Hiệp hội Cà phê Ca cao , Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Da giầy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản... Vấn đề liên kết doanh nghiệp cũng đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng  của mình chứ không thấy được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Hơn nữa, các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, chưa tạo dựng được một sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh.

Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, không ít doanh nghiệp lớn tiếp cận, tuân thủ luật pháp, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mà các tổ chức thương mại đặt ra. Việc làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu đó một cách tổng thể cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước nhự Bộ KHCN, các cơ sở KHCN, các trường đại học, các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu.

Thực trạng, nhu cầu đổi mới công tác quản lý chất lượng của doanh nghiệp Việt

 Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công công tác quản lý chất lượng sản phẩm để giúp sản phẩm cạnh tranh và đứng vững.

Đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm cũng như tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo….

Hàng năm, các doanh nghiệp này tạo thêm hơn 500.000 lao động, sử dụng tới 50% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP của cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế, khu vực DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm, khu vực DNNVVnăng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng sản phẩm không ổn định, tính cạnh tranh thấp, lực lượng lao động biến động nhiều, thiếu lao động chuyên môn cao, do vậy, các DN này thường bị rơi vào vị thế bất lợi.

Thực trạng, nhu cầu đổi mới công tác quản lý chất lượng của doanh nghiệp Việt

 Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố tiên quyết để phát triển đối với doanh nghiệp Giovanni.

Nguyên nhân do tiềm lực kinh tế của các DNNVV hạn chế, chi phí sản xuất cao, khó vay vốn; trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng cũ, lạc hậu; sản phẩm và dịch vụ chưa đa dạng thiếu tính canh tranh, năng lực còn hạn chế, đặc biệt các đội ngũ quản lý cấp trung; DNNVV chưa nhìn nhận và đủ điều kiện đầu tư, hoạch định một cách bài bản, khoa học trong công tác quản lý, phát triển sản phẩm và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Để tìm cách tháo gỡ rào cản phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV  Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề.

Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về đất đai, thuế, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản đảm bảo...; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hành chính công, cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho DN; rà soát và sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng, Luật các Tổ chức tín dụng, cơ chế phối hợp các quỹ bảo lãnh tín dụng; cải cách pháp lý liên quan đến thụ lý, xử lý các vụ án kinh tế theo tiêu chí nhanh chóng, minh bạch, giảm thiểu rủi ro hình sự hóa; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính; Tăng cường kiểm soát nợ xấu của các Tổ chức tín dụng...

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp DNNVV tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận các thông tin về các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia và các thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, Hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, xây dựng các hệ thống quản lý phù hợp để năng cao năng suất và hiệu quả quản lý, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lựa chọn, xây dựng các mô hình quản lý, nhà nước cần hướng dẫn, phân loại các doanh nghiệp, đặc biệt các DNNVV, trên cơ sở đó xây dựng các mô hình điểm về hệ thống quản lý có đánh giá, có thảo luận, từ đó nhân rộng cho các DN như Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐTTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng nhân sự.

Thứ năm, Bộ LĐTB&XH, các sở LĐTB&XH cùng với các DN cần phối hợp để xây dựng chế độ lương, chế độ đãi ngộ trên cơ sở xem xét đánh giá công việc, phân tích công việc của từng cán bộ thực hiện và xem xét mức lương trên thị trường để có tiêu chí chung trong việc phân bổ lương trên cơ sở hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp, mang tính cạnh tranh.

Đặng Kim Lợi

Trung tâm Đào tạo - TCTCĐLCL

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang