Dễ dàng tìm mua thuốc điều trị Covid-19 tiềm ẩn nhiều rủi ro

author 07:21 08/12/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay tình trạng rao bán thuốc kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 tràn lan.

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, dù trước đó Sở Y tế yêu cầu chỉ bán thuốc B (kháng viêm, kháng đông) theo đơn tuy nhiên việc mua gói thuốc B không cần đơn tại các nhà thuốc khá dễ dàng.

Ghi nhận tại một nhà thuốc trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) thì được nhân viên vô tư giới thiệu giá từng loại thuốc điều trị Covid-19, loại thuốc 3: Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên; thuốc Methylprednisolone 16 mg giá 4.500 đồng/viên.

Đối với loại thuốc 4 trong gói thuốc B là Rivaroxaban 10 mg và Apixaban 2,5 mg, nhân viên này giới thiệu tại nhà thuốc hiện chỉ có Rivaroxaban 10 mg với giá 48.000 đồng/viên.

Tại nhà thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), nhân viên này giới thiệu loại thuốc 4 là Rivaroxaban 10 mg với giá 65.000 đồng/viên, Apixaban 2,6 mg có giá 25.000 - 26.000 đồng/viên. Các loại thuốc 3 như Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg giá 4.500 đồng/viên.

 Thuốc điều trị Covid-19 được tìm mua dễ dàng. Ảnh: Thanh Niên

Tiếp tục đến một nhà thuốc khác trên đường Dương Quang Trung (Q.10) để hỏi mua các loại thuốc điều trị Covid-19 như trên, nhân viên tại đây cho biết Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg giá 2.500 đồng/viên. Loại thuốc 4 là Rivaroxaban 10 mg được bán với giá 40.000 đồng/viên. Tham khảo tại nhà thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), các loại thuốc 3 như Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg khoảng 1.900 đồng/viên. Loại thuốc Rivaroxaban có giá 32.000 đồng/viên…

Hiện TP.HCM chỉ cấp gói thuốc kháng vi rút (Molnupiravir hoặc Favipiravir) cho F0 có triệu chứng và khai báo, ưu tiên cho người lớn tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên, có không ít F0 không khai báo mà ở nhà tự điều trị, một số F0 tự ý mua thuốc kháng vi rút khi không được cấp thuốc này khiến giá thuốc ở “chợ đen” được đẩy lên rất cao. Nếu tháng 8, 9.2021, thuốc kháng vi vút được rao bán trên mạng có giá từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/liều (20 viên với thuốc có hàm lượng 400 mg/viên và 40 viên với thuốc 200 mg/viên), đến nay đã được đẩy lên 8 triệu đồng/liều.

Trên mạng, việc rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 của Nga và Mỹ sản xuất, trong đó loại thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir 200 mg do một công ty của Mỹ sản xuất được nhiều người tìm mua.

Mới đây một tài khoản Đ.L rao bán thuốc Molnupiravir với 2 dạng vỉ và lọ. Người này rao bán 1 liều 4 vỉ (40 viên) giá 8 triệu đồng, 1 lọ 9,5 triệu đồng cùng một số lượng viên thuốc. Lý giải về sự chênh lệch giá dù bằng số lượng, người này cho hay vì thuốc theo vỉ có hạn sử dụng chỉ 6 tháng, trong khi lọ có hạn sử dụng cao hơn dẫn đến giá có sự chênh lệch. Về nguồn gốc, Đ.L khẳng định đây là thuốc được Bộ Y tế cấp phép nên dạng vỉ hay lọ thì công dụng đều giống nhau(?).

Khi đặt vấn đề mua với số lượng 10 hộp, người này nói, có “thầy” làm bác sĩ giao đi bán nên không thể tự quyết định. Sau vài phút, Đ.L trả lời, “thầy” đồng ý giảm giá 200.000 đồng cho mỗi hộp nếu mua 10 hộp. Ngoài ra, Đ.L còn tư vấn thêm: Nếu mua để bán thì nên mua dạng lọ, còn nếu mua để uống thì lấy dạng vỉ cho kinh tế. Về phương thức giao dịch, người này sẵn sàng giao hàng thông qua shipper, nhưng khi PV muốn gặp trực tiếp để kiểm tra chất lượng trước khi thanh toán tiền thì người này thoái thác và khóa tài khoản ngay sau đó.

Còn tài khoản Facebook H.T rao bán trực tiếp các loại thuốc điều trị Covid-19, ban đầu người này rao bán các loại thuốc đặc trị Covid-19 do Nga sản xuất, nhưng khi hỏi mua Molnupiravir 200 mg cũng có sẵn hàng mặc dù thị trường đang khan hiếm. PV đặt mua 10 lọ thuốc Molnupiravir 200 mg trong ngày (1.12), H.T lập tức đồng ý, và hẹn PV đến nhà tại Q.7 để xem hàng, nhưng do làm về trễ nên H.T giới thiệu anh trai tên N.D có nhà trên đường Âu Cơ (Q.11), và nhắn PV gặp N.D để xem hàng. Sau đó, những người này lại đổi ý chỉ giao hàng qua shipper và hối thúc mua vì mỗi ngày giá mỗi lên.

Về nguồn gốc của các hộp thuốc trên, H.T khẳng định hàng chất lượng được nhiều bác sĩ ở các BV lớn tin dùng (?). “Anh yên tâm cái này không có thuốc giả, chỉ có thuốc thật thôi, bao hàng giả luôn, nên anh cứ yên tâm. Em nói thật hôm nay anh không mua mai giá nó khác, hôm qua giá còn bèo nhèo hôm nay giá trên trời luôn”, H.T hối thúc. Hẹn địa điểm xong, một lát sau, shipper mang đến cho chúng tôi 10 lọ Molnupiravir đựng trong bao ni lông màu đen.

Tham khảo một đầu mối bán thuốc “chợ đen” khác, tài khoản P.K cũng rao bán thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir 200 mg xuất xứ Ấn Độ. Cụ thể, 2 vỉ/20 viên có giá 8,5 triệu đồng, còn lọ chỉ có giá 8,2 triệu đồng. P.K cho rằng loại này vừa được công ty nhập về, chưa được sử dụng tại các BV.

Bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc BV đa khoa khu vực Hóc Môn, cho biết khi bệnh nhân (BN) nhập viện nếu có chỉ định dùng Molnupiravir thì được cấp sử dụng 5 ngày (BN có ký cam kết). Mỗi ngày điều dưỡng sẽ cấp phát cho uống tại chỗ. Nếu BN vì lý do nào đó ngưng thuốc thì thuốc sẽ được điều dưỡng trả về khoa dược trong ngày. Hằng ngày, phòng kế hoạch - tổng hợp thống kê trong BV có bao nhiêu BN dùng Molnupiravir (hoặc Remdesiver - thuốc tiêm dành cho BN nặng). Khoa dược đều báo cáo hằng ngày về cho Sở Y tế số thuốc được cấp, số đã sử dụng. Cũng theo bác sĩ Quân, hiện ngoài thị trường trôi nổi thuốc kháng vi rút nên khuyến cáo người dân không nên mua vì không loại trừ thuốc giả.

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, phụ trách BV dã chiến số 14, khi khoa dược phát thuốc ra phải có chữ ký của người nhận, đúng hồ sơ BN sử dụng. Phòng kế hoạch - tổng hợp thường xuyên đi kiểm tra xem việc sử dụng thuốc có đúng theo hồ sơ cấp phát hay không? Như vậy, ngoài quy trình ban hành thì BV còn phải giám sát, không thể để thất thoát, bên cạnh đó là nâng cao ý thức của nhân viên y tế. “Thuốc bán trên thị trường hiện là hàng xách tay mà chủ yếu từ Ấn Độ”, TS-BS Bảo Tuấn nhìn nhận.

Còn trưởng một trạm y tế lưu động cho hay một F0 cách ly tại nhà ngoài đủ điều kiện uống thuốc kháng vi rút thì phải lý cam kết sử dụng, báo cáo hằng ngày về trạm về tình hình sử dụng, các triệu chứng sau sử dụng. Nếu vì lý do nào đó ngưng thuốc, phải trả thuốc về trạm y tế lưu động để trả lại cho trung tâm y tế. Tất cả đều có giấy tờ, hồ sơ và báo cáo.

Buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả tiềm ẩn nhiều rủi ro phải xử nghiêm

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Việc làm này đem lại rất nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng, cản trở quá trình phòng chống dịch bệnh của Nhà nước và người dân. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe tính mạng của người khác và thờ ơ trước công tác phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả là hành vi trái pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng. Hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả bị nghiêm cấm theo điểm a, khoản 5, Điều 6, Luật Dược năm 2016.

Tuỳ theo mức độ, tính chất mà hành vi bị xử phạt hành chính nếu vụ việc mang tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 - 140 triệu đồng (với cá nhân buôn bán) hoặc 10 – 200 triệu đồng (với cá nhân sản xuất thuốc giả). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự, mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền trên.

Theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền có thể lên tới 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Trong trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, mức phạt trên có thể sẽ tăng gấp 2 lần.

Trong trường hợp các cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra, làm rõ, nếu tháy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194, Mục 1, Chương XVIII, Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, tuỳ vào mức độ vi phạm, các cá nhân phạm tội sẽ chịu mức xử lý tương đương theo các khung hình phạt như sau:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang