Thương lái Trung Quốc 'tập' cho người Việt thói cẩu thả, gian dối

author 09:22 05/07/2014

(VietQ.vn) - Chính thương nhân Trung Quốc đã tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối…

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã có buổi trao đổi  xung quanh những bất cập trong quan hệ thương mại mặt hàng nông sản với Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định, quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc đã và đang diễn ra không bình thường. Cụ thể trong lĩnh vực nông sản,ông có nhận định gì về sự “không bình thường” này?

Trong thời gian dài, chính sách biên mậu với Trung quốc và quản lý nhà nước khá dễ dãi như vừa qua đã tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Nguồn nguyên liệu từ nông sản khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản, và thực tế nhiều doanh nghiệp đã sống dỡ chết dỡ và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng.

Cũng chính thương nhân Trung Quốc đã tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, không an toàn thực phẩm và nhiều rủi ro.   Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó không thể bán vào thị trường khác.

Chiêu thu mua đỉa của thương lái Trung Quốc đã khiến bao người phải khốn đốn

Đối với hoạt động nhập khẩu,  nông sản nhập  từ Trung Quốc có dư lượng thuốc hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe cho người dân. Việc nhập khẩu qua biên mậu có chính sách nhập khẩu cũng quá dễ dãi, không được kiểm soát chặt chẽ như hàng nhập chính ngạch. Dù chất lượng  kém và không an toàn song  nông sản từ Trung Quốc đã gây áp lực lên nông sản Việt Nam do giá thấp.

Thương lái Trung Quốc thường dùng chiêu ép giá nông sản của ta khi được mùa. Vậy làm thế nào để mặt hàng nông sản không bị lệ thuộc bới Trung Quốc?

Ngoài Trung Quốc thì  trái cây Việt Nam chưa được quảng bá rộng rãi nên  việc tiếp cận các thị trường còn khó khăn.

Tới nay, nhiều mặt hàng của Viêt Nam khá mới lạ với một số nước Châu Âu, như: trái vải, không nhiều khách hàng biết đến vải Việt Nam. Ngay cả các nước lận cận như: Singapore, Malaysia, Indonexia họ đều bán vải của Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn.

Câu chuyện tiêu thụ quả thanh long cũng rất khó khăn, vì Trung Quốc đang mua chiếm 90% tổng lượng thanh long xuất khẩu. Vậy cần tìm thị trường mới để bớt phụ thuộc Trung Quốc.

Thị trường Ấn Độ, Bangladet rất có tiềm năng, nhưng họ lại không biết thanh long là trái gì? Do đó, cần xúc tiến và quảng bá những thế mạnh của trái cây Việt Nam nhiều hơn nữa ở thị trường các nước và trong nước thì tập trung chuyên canh những vùng và trái cây ngon có chất lượng để xuất khẩu được số lượng lớn.

Thanh Long là đặc sản của Việt Nam nhưng nhiều nước vẫn còn chưa biết đây là quả gì?

Cũng phải kể tới yếu tố về giá khiến hoa quả Việt Nam chưa có sức cạnh tranh?

Đúng vậy, Thái Lan là nước có sản phẩm trái cây nhiệt đới tương tự như Việt Nam, tuy nhiên sản phẩm của họ được biết rất nhiều nước trên thế giới là vì sao? Ngoài khía cạnh chất lượng, năng động của doanh nghiệp và chính phủ Thái Lan, phải nói đến sản phẩm của họ rất cạnh tranh về giá. Dù rằng thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan cao hơn Việt Nam.

Nguyên nhân giá hoa quả Việt Nam xuất sang các thị trường khác cao là do chí phí logistic quá cao. Một lô hàng xuất bằng hàng không đi châu Âu/ Hoa kỳ, hầu như chúng ta phải đi qua các hàng không trung gian, ít có cơ hội sử dụng Vietnam Airlines vì giá quá cao.

Miền Nam có sân bay Tân Sơn Nhất là cửa khẩu xuất hàng nhiều bật nhất Việt Nam về rau quả tươi, nhưng rất bất cập về phương thức vận tải vì sân bay nằm trong nội ô, vận chuyển hàng hóa tươi phải tuân thủ theo giờ cấm tải.

Vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để giải quyết những bất cập trên?

Ngoài tạo dựng chính sách tốt về đất đai, giao thông, thủy lợi,  quy hoạch vùng kinh tế hợp lý, Chính phủ cần xem xét lại chính sách biên mậu với Trung Quốc, cần kiểm soát chặt chẻ về chất lượng và an toàn thực phẩm với các sản phẩm và nông sản nhập khẩu.

Cụ thể, các qui định về hải quan và thông quan hàng nhập khẩu cũng như xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên mậu đều phải thực hiện đúng theo quy định như hàng chính ngạch.

Nông sản Việt Nam rất phong phú, chất lượng hơn so với nông sản Trung Quốc và dư khả năng cung cấp nhu cầu tiêu thụ của người Việt Nam. Do đó cần có rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu để bảo hộ nông sản trong nước.

Cần có chính sách hổ trợ nông dân để hướng họ vào nền nông nghiệp sạch, an toàn. Đủ diều kiện bán vào các thị trường khó tính nhưng bền vững.

Cần xem xét đến chính sách tích tụ ruộng đất để có thể tạo ra những nông sản đồng nhất, chất lượng, an toàn, có kiểm soát chặt về chất lượng và gắn kết với doanh nghiệp.

Song song với những giải pháp trên, là những chính sách ưu đãi và hỗ trợ thiết thực hơn nữa đối các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản: như về lãi suất vay, về các chương trình xúc tiến thương mại, mở những hội chợ triển lãm quốc tế, xây dựng thương hiệu,…


Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang