Thương mại điện tử - hướng đi mới giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thời Covid-19

author 12:44 27/04/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thương mại điện tử và cho rằng đây là hướng đi mới, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn…

Thời gian qua, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, gần 100 ngàn người tử vong. Con số này được dự báo chưa dừng lại và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tại Việt Nam, chúng ta xác định song song với chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế, xác định tinh thần “sống chung với dịch”.

Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải đưa ra các giải pháp để thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện mục tiêu kép chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh minh họa. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, việc phát triển TMĐT ở Việt Nam ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TMĐT Việt Nam nói riêng đã cùng cơ quan nhà nước nhanh chóng ứng phó dịch bệnh thời gian qua.

Khảo sát nhanh với 4 sàn thương mại lớn cho thấy, việc tăng số lượng giao dịch với mặt hàng khẩu trang thiết bị y tế tăng 80-100%. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp TMĐT bị hủy lên tới 140%.

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ nguồn cung khi TMĐT xuất phát từ phương thức kinh doanh trên nền tảng số nhưng bản chất dựa trên nguồn cung thực tế; Thứ hai là liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu bởi thương mại Việt Nam phụ thuộc các thị trường nhập khẩu lớn đặc biệt là Trung Quốc; Thứ ba là năng lực ứng phó dịch bệnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn ít nhiều có sự chủ động, có thể thích ứng nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn lại bị động trong ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số để ứng dụng TMĐT, ứng phó với phương thức kinh doanh mới.

Từ thực tiễn đó, Cục đã đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thời gian trước mắt và lâu dài như: Phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng việt; Xây dựng nền tảng ứng dụng TMĐT ứng phó tình huống khẩn cấp; Huy động sự tham gia các công ty chuyển phát và hệ thống thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tham gia quy trình TMĐT trọn gói có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp không chỉ dịch Covid-19 như hiện nay mà trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai; Đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường TMĐT thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại Việt Nam (online.gov.vn) để kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến.

Còn theo ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương: Về cơ bản thì trên các sàn TMĐT hiện chia thành 2 nhóm: Nhóm của những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán các sản phẩm nguồn gốc từ Việt Nam chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chưa phải kênh kinh doanh hiệu quả, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu của điện tử.

Mặc dù thế, theo ông Hoàng, dịch Covid-19 cho thấy sự thay đổi lớn trong cách triển khai của doanh nghiệp kinh doanh các dòng sản phẩm có nguồn gốc đến từ Việt Nam. Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến TMĐT và cho rằng đây hướng đi mới cho mình, giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra ông Hoàng cũng lưu ý, hoạt động TMĐT đang là xu thế nhưng có hai mặt nên người tiêu dùng và doanh nghiệp cần phải tỉnh táo khi sử dụng.

Xử lý gần 32.800 sản phẩm phòng tránh dịch Covid-19 trên các sàn thương mại điện tử(VietQ.vn) - Từ ngày 23/3 đến ngày 30/3, các sàn thương mại điện tử đã rà soát, xử lý tổng cộng khoảng gần 16.200 gian hàng cung cấp gần 32.800 sản phẩm phòng dịch Covid-19, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá sản phẩm, gây mất bình ổn thị trường.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang