Tiêu chuẩn IEC: Chìa khóa nâng cao chất lượng và an toàn trong ngành điện – điện tử

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế không chỉ là yêu cầu bắt buộc để tiếp cận thị trường toàn cầu mà còn là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong ngành điện – điện tử, tiêu chuẩn IEC đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động thiết kế, sản xuất và kiểm định sản phẩm.
IEC là viết tắt của International Electrotechnical Commission (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế). Tổ chức này có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) và hiện là nơi xây dựng, ban hành hàng ngàn tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực như: thiết bị điện, điện tử, năng lượng tái tạo, truyền thông, công nghệ y sinh, công nghiệp tự động hóa, hệ thống lưới điện thông minh, an toàn điện…
Tiêu chuẩn IEC nhằm mục tiêu hài hòa các yêu cầu kỹ thuật trên toàn cầu, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, nâng cao tính tương thích giữa các thiết bị và bảo vệ người sử dụng khỏi các rủi ro về điện.
Điểm nổi bật là các tiêu chuẩn IEC luôn được cập nhật theo tiến bộ công nghệ, đáp ứng kịp thời sự phát triển của các ngành công nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, IEC đã sớm ban hành các tiêu chuẩn cho hệ thống pin mặt trời, gió, lưu trữ năng lượng và lưới điện thông minh, giúp đảm bảo hiệu suất và độ an toàn trong vận hành.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử đã bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn IEC nhằm nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ hàng lỗi và mở rộng thị trường xuất khẩu. Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, điện dân dụng, điện công nghiệp đã đạt được chứng nhận IEC cho sản phẩm như dây cáp điện, ổ cắm, máy biến áp, tủ điện…
Cụ thể, Công ty CP Dây và Cáp điện Thịnh Phát - Doanh nghiệp chuyên sản xuất dây và cáp điện phục vụ cho công nghiệp và dân dụng. Thịnh Phát đã áp dụng các tiêu chuẩn như IEC 60227 (cáp điện PVC) và IEC 60332 (chống cháy) trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Nhờ đó, sản phẩm cáp điện của Thịnh Phát đủ điều kiện đấu thầu vào các dự án quốc tế, đặc biệt là tại các khu công nghiệp FDI.
Hay Tập đoàn Điện Quang là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đổi mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn này đã triển khai áp dụng IEC 61547 (tương thích điện từ), IEC 62717 (hiệu suất đèn LED), và đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn IEC để tự kiểm nghiệm sản phẩm trước khi ra thị trường.
Đại diện Điện Quang cho biết, việc đạt chứng nhận IEC giúp giảm rủi ro khi xuất khẩu, đồng thời là “tấm vé thông hành” đưa đèn LED thương hiệu Việt xuất hiện tại các siêu thị và dự án ở Lào, Campuchia, Thái Lan, UAE…

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan quản lý và đơn vị kiểm định tại Việt Nam cũng đang từng bước áp dụng tiêu chuẩn IEC như một công cụ giám sát và đánh giá an toàn kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực lưới điện, hệ thống điện công nghiệp và công trình công cộng.
Dù lợi ích đã rõ, quá trình áp dụng tiêu chuẩn IEC ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chi phí đầu tư vào phòng thử nghiệm, nhân lực kỹ thuật còn thiếu chuyên môn, và tâm lý ngại thay đổi trong một số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
TS. Nguyễn Minh Hạnh – chuyên gia tư vấn tiêu chuẩn quốc tế, thành viên kỹ thuật ISO/IEC Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời đại công nghiệp 4.0, tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ là giấy phép thông quan mà còn là một phần cấu thành của năng lực công nghệ. IEC chính là một “ngôn ngữ chung” giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy việc áp dụng IEC hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ thuật, đầu tư phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp cần coi tiêu chuẩn không phải là gánh nặng mà là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
An Nguyên