Tìm hướng nâng cao năng suất chất lượng trong DN Nhà nước

author 15:06 09/05/2014

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tìm nguyên nhân nền kinh tế trì trệ và đề xuất giải pháp khắc phục đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, trí thức, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cả trong và ngoài nước suốt thời gian qua.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Một thực trạng được thừa nhận rộng rãi là chúng ta chưa chủ động hội nhập đầy đủ với kinh tế thế giới và khu vực trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy giảm. Việc tái cơ cấu nền kinh tế tuy đã được Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện, nhưng hiện vẫn diễn ra chậm chạp và chưa đồng bộ trên các lĩnh vực, khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, khởi sắc trở lại.

Do đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo cả về quy mô, vốn, lao động, kiểm soát các nguồn lực quốc gia nên cũng chiếm phần lớn thu nhập quốc dân. Do đó vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế là vô cùng to lớn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nội dung quan trọng bậc nhất trong tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

​Trong nhiều nguyên nhân cải cách chậm chạp của doanh nghiệp nhà nước, thì động lực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Qua thống kê các đề tài, dự án KH&CN ở Quảng Ngãi trong những năm gần đây, nhận thấy hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.

Năm 2009- 2010 tỉnh Quảng Ngãi triển khai 22 đề tài, dự án KH&CN, nhưng không có doanh nghiệp nhà nước nào tham gia. Năm 2011, trong số 16 đề tài, dự án KH&CN được triển khai nghiên cứu cũng chỉ có 01 dự án KH&CN do doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện (Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung). Nhưng sau khi nghiệm thu, việc triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn do chính sách phát triển nhiên liệu sinh học của Nhà nước chưa hợp lý, chưa được thực tế cuộc sống chấp nhận như mong đợi.

Năm 2012- 2013 có 19 đề tài, dự án KH&CN nhưng cũng chỉ có 01 dự án sản xuất thử nghiệm gạch không nung từ chất thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Công ty CP Cơ-Điện-Môi trường Lilama là thuộc doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện. Sau nghiệm thu, sản phẩm của dự án cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên hạn chế tiềm năng phát triển.Hiện ở tỉnh ta đang có nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và có tầm quan trọng đặc biệt với nền kinh tế, nhưng hoạt động R&D chưa được chú trọng đúng mức.

Qua kiểm tra một số doanh nghiệp lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Công ty khí hóa lỏng miền Nam, Công ty Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung… chưa có bộ phận R&D tương xứng, không thành lập Quỹ phát triển KH&CN và hoạt động R&D hầu như không đáng kể.Trái lại, hoạt động R&D của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Vốn là doanh nghiệp nhà nước trước đây, nhưng từ khi cổ phần hóa, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã liên tục nâng cao năng lực R&D, thành lập Phòng Nghiên cứu và phát triển, Quỹ phát triển KH&CN và đã triển khai nhiều đề tài, dự án KH&CN có kết quả tốt. Các đề tài, dự án nghiên cứu cải tiến đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm luôn được Công ty đặc biệt quan tâm.

Được thành lập từ năm 2009, Quỹ phát triển KH&CN của Công ty hoạt động khá hiệu quả, vốn lũy kế đến năm 2011 có 74 tỷ đồng; kế hoạch 2012-2015 là 208 tỷ đồng.Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cũng là một điển hình tốt về hoạt động R&D từ khi được cổ phần hóa. Hiện Công ty đã có 06 nhà máy sản xuất tinh bột mỳ trên cả nước. Hoạt động R&D đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển vùng nguyên liệu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến nhiều nước, có sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường thế giới…

Qua tìm hiểu nguyên nhân khiến hoạt động R&D trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được chú trọng, nhận thấy động lực nghiên cứu-phát triển nhìn chung rất mờ nhạt. Doanh nghiệp thường có tư tưởng “ăn xổi”, xây dựng các dự án đầu tư hoành tráng nhưng chỉ chú trọng đến mua sắm, nhập khẩu thiết bị để hưởng chênh lệch, không có dự án R&D tại chỗ để nâng cao năng lực đổi mới thiết bị công nghệ, vì hoạt động R&D thường phải đầu tư thực chất, tốn thời gian và rủi ro cao. Mặt khác, sức ép cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao sức cạnh tranh bằng năng lực R&D nội tại và phối hợp với các trung tâm nghiên cứu bên ngoài để nâng cao hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp được nhà nước ưu ái quá nhiều từ chủ trương đầu tư, vốn và  cơ hội sử dụng nhiều nguồn lực quốc gia khác; sản phẩm làm ra cũng được hưởng nhiều lợi thế độc quyền của nhà nước, vì vậy ít động lực cạnh tranh, không có chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên nội lực hoạt động R&D.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi còn 100% vốn nhà nước, hoạt động R&D rất hạn chế và hầu như không có hiệu quả. Tuy nhiên, khi đã cổ phần hóa, phải tự bươn chải để tồn tại và phát triển, sức ép về cạnh tranh ngày càng lớn, buộc doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến, đổi mới, nâng cao năng lực thiết bị công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh. Không còn được ưu ái như trước, doanh nghiệp phải dựa vào nội lực để tồn tại và phát triển, để đáp ứng yêu cầu đó, hoạt động R&D ngày càng đóng vai trò quan trọng như một lẽ tự nhiên. Chính xu hướng cạnh tranh dẫn đến con đường nâng cao năng lực hoạt động R&D là động lực cơ bản cho phát triển bền vững của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là vấn đề rất lớn và phức tạp, nó không chỉ liên quan đến các mối quan hệ kinh tế bên trong, bên ngoài, các yếu tố thị trường mà còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước. Với chiến lược phát triển bền vững, chuyển động lực nền kinh tế từ tăng trưởng chiều rộng chủ yếu dựa vào vốn, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên (năng suất, chất lượng thấp) sang tăng trưởng về chiều sâu, lấy KH&CN làm nền tảng (năng suất, chất lượng cao), doanh nghiệp không thể không chú trọng đến hoạt động R&D để chủ động về công nghệ, làm chủ công nghệ, coi đó là nền tảng phát triển trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường và hội nhập với thế giới bên ngoài.

Vì vậy, với chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo động lực cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nền tảng để tạo động lực cho tái cấu trúc và nâng cao năng lực hoạt động R&D của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu về đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, quản trị kinh doanh hiện đại, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp.

T.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang