Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 21/1/2015

author 07:51 21/01/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/1/2015 đề cập tới các vấn đề như Đề xuất Quốc hội giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ; Bắt giữ hơn 380 kg mứt tết giả mạo đặc sản Đà Lạt; Máy bay QZ8501 gặp nạn do nâng độ cao quá nhanh...

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/1/2015 trong nước

TP.HCM không để ùn tắc giao thông trên 30 phút

Theo những Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/1/2015,  sáng  20-1 Ban ATGT tổ chức lễ ra quân ATGT năm 2015 và đợt cao điểm tết Nguyên đán Ất Mùi.Phát biểu tại lễ ra quân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang nói: “TP.HCM sẽ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện kinh doanh vận tải, bắt buộc hạ tải nếu phát hiện xe chở quá tải… Năm 2015, TP.HCM hạ quyết tâm không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút”.Tại buổi lễ, Ban ATGT TP.HCM cùng các sở ngành, các hiệp hội vận tải và du lịch liên tỉnh cùng ký cam kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm ATGT 2015 và đợt cao điểm tết Ất Mùi.

Lễ ra quân ATGT năm 2015 và đợt cao điểm tết Nguyên đán Ất Mùi tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM

Lễ ra quân ATGT năm 2015 và đợt cao điểm tết Nguyên đán Ất Mùi tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh minh họa

Năm 2014 là năm đầu tiên số người chết do TNGT cả nước giảm xuống dưới 9.000 người. Bộ GTVT đề ra mục tiêu năm 2015 giảm tai nạn ở tất cả tỉnh, TP trong cả nước 5%-10% so với năm 2014 trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm ùn tắc giao thông tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Bắt giữ hơn 380 kg mứt tết Trung Quốc giả đặc sản Đà Lạt

Khoảng 9 giờ sáng 20-1, Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT về tội phạm kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã bắt quả tang Nguyễn Văn Toàn (ở phường 3, TP Đà Lạt) vận chuyển hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc giả đặc sản Đà Lạt. Kiểm tra tại nhà riêng của Toàn, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng hơn 380 kg gồm các loại mứt đặc sản hồng dẻo, đào sữa, hoa hồng, táo sấy, mận sấy, kiwi, ô liu… không có hóa đơn, chứng từ nhưng trên bao bì có gắn nhãn mác ghi bằng chữ Trung Quốc.

Bước đầu Nguyễn Văn Toàn thừa nhận số hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc, do anh mua lại của một đầu mối tại TP.HCM. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng, rút giấy phép kinh doanh hàng đặc sản của gia đình Toàn, bàn giao vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục làm rõ và xử lý.

Đề xuất Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ

Quốc hội được đề xuất có nhiệm vụ giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Theo dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Ủy ban Pháp luật đưa ra ngày 19/1, Quốc hội có nhiệm vụ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ...

Tờ Vnexpress đưa tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa cho ý kiến về dự thảo luật, chỉ có Quốc hội mới có nhiệm vụ giám sát tối cao. Tuy nhiên cần làm rõ "đối tượng, phạm vi, hiệu lực, tính chất tối cao trong giám sát như thế nào, có bao gồm hành vi của cán bộ công chức, viên chức không?". Để hiệu quả của giám sát tối cao đi vào thực chất, bà Ngân đề nghị dự thảo cần bổ sung việc quy trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát cũng như hậu quả pháp lý nếu thực hiện không đúng. Cùng quan điểm, tờ Infonet dẫn lời bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng, vấn đề giám sát tối cao của Quốc hội chưa được làm rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh minh họa

Có ý kiến cho rằng, giám sát tối cao là việc giám sát cơ quan cao nhất của bộ máy nhà nước, như Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, hay Chánh án TAND TC… Đối với Hội đồng Nhân dân thì có trách nhiệm giám sát ở địa phương, còn Quốc hội đi địa phương là đánh giá việc thực hiện pháp luật đến đâu. Nhưng đến bây giờ các khái niệm này vẫn chưa được làm rõ.

Theo dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Ủy ban pháp luật đưa ra ngày 19/1, Quốc hội có nhiệm vụ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập...

Cũng theo dự thảo , Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng... và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát việc trưng cầu ý dân. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát văn bản pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng... thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Uỷ ban phụ trách.

Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương.

Thông tin Infonet, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, giám sát tối cao cũng không có gì cao hơn cả, vấn đề là hiệu lực hiệu quả giám sát đến đâu. Đã là giám sát thì phải chỉ ra những cái sai để họ sửa, chứ không đi làm thay được. Còn nếu chỉ ra mà họ không sửa thì phải giải quyết bằng cơ chế khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát cái gì, giám sát ai thì cần phải quy định cho rõ hình thức tổ chức giám sát có những loại hình gì để thực hiện cho hiệu quả.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/1/2015 quốc tế

Pháp bắt 5 người Nga "âm mưu khủng bố

Cơ quan công tố Pháp ngày 20/1 thông báo bắt giữ 5 đối tượng mang quốc tịch Nga bị tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố ở miền nam nước Pháp. Cùng ngày, phiên tòa xét xử 4 kẻ bị bắt tuần trước vì liên quan đến các vụ tấn công Paris đã bắt đầu. Hãng thông tấn AFP ngày 20/1 dẫn lời các công tố viên Pháp cho hay 5 nghi can mang quốc tịch Nga đã bị bắt giữ ở thị trấn Beziers gần bờ biển Địa Trung Hải, cách thành phố Montpellier khoảng 70 km. Các công tố viên địa phương cho biết cảnh sát đã thu giữ được nhiều tang vật khi khám nhà 5 người này.

Hiện trường vụ bắt cóc con tin ở một tiệm tạp hóa Do Thái đông Paris do Coulibaly gây ra

Hiện trường vụ bắt cóc con tin ở một tiệm tạp hóa Do Thái đông Paris do Coulibaly gây ra. Ảnh BBC

Theo AFP, 5 đối tượng này đến từ Cộng hòa Chechnya (thuộc Liên bang Nga). Chechnya là khu vực có đông đảo dân cư là người Hồi giáo. Hôm 19/1, khoảng 1 triệu người dân nơi đây đã đổ ra đường phố trong cuộc biểu tình khổng lồ do chính quyền bảo trợ, nhằm phản đối tạp chí Pháp Charlie Hebdo đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed trên ấn phẩm mới nhất.

Trên mạng xã hội Instagram, Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov trước đó đã tuyên bố những người bảo vệ tạp chí Charlie Hebdo là "kẻ thù cá nhân" của ông.Cũng trong ngày 20/1, 4 nghi can bị cáo buộc tiếp tay cho tên khủng bố Amedy Coulibaly, kẻ bắt cóc và bắn chết 4 con tin tại tiệm tạp hóa Do Thái đông Paris ngày 9/1 vừa qua, đã phải ra hầu tòa tại thủ đô Paris.

Bốn người đàn ông này ở độ tuổi từ 22-28, nằm trong số 12 đối tượng bị bắt giữ trong cuộc truy lùng của cảnh sát ngày 16/1, chỉ một tuần sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris của những phần tử Hồi giáo cực đoan làm 17 người thiệt mạng. Cơ quan công tố cũng cho hay 8 đối tượng còn lại, trong đó có 3 phụ nữ, đã được trả tự do trong những ngày qua.

Amedy Coulibaly đã bắt giữ nhiều con tin tại một siêu thị ở phía Tây Paris ngày 9/1 và 4 con tin thiệt mạng trong vụ bắt giữ này. Tên này cũng bị tình nghi bắn chết một nữ cảnh sát trước đó một ngày ở ngoại ô phía Nam Paris. Coulibaly tuyên bố hắn “cùng hội, cùng thuyền” với 2 anh em Said và Cherif Kouachi, 2 kẻ đã xả súng tại tòa báo Charlie Hebdo ngày 7/1 làm 12 người thiệt mạng. Trong khi đó, chính quyền Pháp ngày 20/1 đã cấp quốc tịch cho anh Lassana Bathily, 24 tuổi, “người hùng” Hồi giáo gốc Mali, đã hỗ trợ các khách hàng ở siêu thị Do Thái lẩn trốn dưới tầng hầm khi Coulibaly tấn công.

Nội các Nhật có thể điều quân chỉ bằng một cú điện thoại

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch đơn giản hóa quy trình triển khai Lực lượng phòng vệ để đối phó các nguy cơ an ninh.Theo báo Nhật Asahi Shimbun ngày 19.1, mục đích của kế hoạch sửa đổi này là nhằm tăng cường tính sẵn sàng của Lực lượng phòng vệ để bảo vệ các khu vực Tokyo tuyên bố chủ quyền. Theo đó, trong các tình huống khẩn cấp, mọi thành viên nội các Nhật đều có thể ra lệnh triển khai tác chiến chỉ bằng một cuộc gọi điện thoại. 

Binh sĩ Nhật trong một cuộc tập trận tái chiếm đảo

Binh sĩ Nhật trong một cuộc tập trận tái chiếm đảo. Ảnh Reuters

Lâu nay, chỉ có các sĩ quan cấp cao thuộc Lực lượng tuần duyên được trao quyền hạn này và trên lý thuyết, họ có thể huy động cả tàu khu trục đến vùng biển đang bị đe dọa. Nếu việc sửa đổi được thông qua, chính quyền Nhật có thể nhanh chóng hành động ngay khi có lực lượng quân sự và bán quân sự nước ngoài xuất hiện trong khu vực mà nước này coi là thuộc chủ quyền của mình.

Tuy báo chí Nhật không nêu cụ thể nước nào nhưng Hoàn Cầu thời báo cho rằng mục tiêu chính của kế hoạch nói trên là nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Mặt khác, một số chuyên gia lo ngại rằng việc mở rộng quyền hạn điều quân của Nhật có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ tại khu vực tranh chấp. 

Đầu tuần trước, giới chức Tokyo và Bắc Kinh đã có cuộc họp kín về cơ chế quản lý khủng hoảng và ngăn chặn xung đột trên biển nhưng không đạt được kết quả đột phá lớn nào ngoại trừ việc nhất trí lập đường dây nóng, theo tờ South China Morning Post. Ngay sau đó, chính phủ Nhật công bố ngân sách quốc phòng dành cho năm tài khóa 2015 - 2016 là 42 tỉ USD, tăng 2% so với tài khóa 2014 - 2015 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong một diễn biến khác, tờ Chosun Ilbo ngày 19.1 dẫn lại thông tin từ báo International Herald Leader, một phụ trương của Tân Hoa xã, nói quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa DF-21 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại khu vực do nước này quản lý trên núi Baekdu. Theo Chosun Ilbo, DF-21 có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào tại Hàn Quốc và Nhật, bao gồm cả lực lượng Mỹ đóng tại Okinawa. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Cho Yang-hyun thuộc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Nếu Trung Quốc triển khai tên lửa DF-21 trên núi Baekdu thì đó là một sự cảnh cáo đối với liên minh quân sự giữa Seoul, Washington và Tokyo”. 

Ngọn núi này, còn được gọi là núi Trường Bạch, nằm giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều xem đây là ngọn núi thiêng liêng, là nơi khởi phát của dân tộc Triều Tiên nói chung. Vì thế, dù Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã có thỏa thuận phân chia cắm mốc trên núi Baekdu nhưng dư luận tại Seoul vẫn tỏ ra quan ngại, không hài lòng mỗi khi Trung Quốc có hoạt động nào tại đây, theo tờ DongA Ilbo. Các bên liên quan chưa có phản ứng về thông tin trên.

Máy bay AirAsia QZ8501 gặp nạn do nâng độ cao quá nhanh

 Trong những phút cuối cùng trên bầu trời, máy bay QZ8501 đã bay lên với tốc độ 1.828 m/phút – tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với bình thường.Thông tin mới được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Indonesia công bố cho biết, máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã nâng độ cao quá nhanh, trước khi ngừng lại và rơi xuống biển Java hồi tháng 12 năm ngoái.

Tin tức mới cập nhật hôm nay 21/1/2015: Máy bay QZ8501 gặp nạn do nâng độ cao quá nhanh

Tin tức mới cập nhật hôm nay 21/1/2015: Máy bay QZ8501 gặp nạn do nâng độ cao quá nhanh. Ảnh AFP 

Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Indonesia Jonan cho hay, trong những phút cuối cùng trên bầu trời, máy bay QZ8501 đã bay lên với tốc độ 1.828 m/ phút – tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với bình thường. Không có bất cứ máy bay dân dụng hay quân sự nào có thể nâng độ cao quá nhanh như vậy. Thông thường một máy bay chở khách chỉ có khả năng bay lên với tốc độ 300 - 600 m/phút. 

Toàn bộ 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng khi chiếc máy bay QZ8501 rơi xuống biển Java. Tính đến nay, lực lượng cứu hộ Indonesia mới chỉ tìm thấy gần 1/3 tổng số thi thể các nạn nhân. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Indonesia cũng đã đề xuất với Quốc hội nước này một số thay đổi nhằm cải thiện các tiêu chuẩn an toàn bay, sau sự cố rơi máy bay QZ8501.

Trang Mạc (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang