ASEAN đang ‘lái xe mà không biết đi đâu’ ở Biển Đông

author 17:07 05/12/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, phức tạp đang tạo ra thách thức lớn với các nước ASEAN trước sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức về tình hình Biển Đông mới nhất, ngày 4/12 tại Hà Nội, các học giả nước ngoài tham dự hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin châu Á” đã đề cập những hạn chế của ASEAN trong giải quyết các thách thức khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Giới học giả quốc tế cho rằng, dù ở vị trí người cầm lái trong những vấn đề liên quan khu vực, nhưng ASEAN thiếu chiến lược điều phối để xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, hiện như lái xe mà không biết đi đâu, báo Tiền Phong đưa tin.

Hội thảo ‘Xây dựng lòng tin châu Á’ diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội đề cập đến vai trò của ASEAN với tình hình Biển Đông hiện nay

Hội thảo ‘Xây dựng lòng tin châu Á’ diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội đề cập đến vai trò của ASEAN với tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh NLĐO

Cụ thể, TS William Choong ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, kể rằng, một cựu thư ký ASEAN vừa nói với ông: “Tôi làm việc cho ASEAN và mọi người ở ASEAN luôn nói rằng, ASEAN ở vị trí của người cầm lái trong những vấn đề liên quan đến khu vực. Nhưng lái xe lại không biết đi đâu”. Theo ông Choong, cách tiếp cận đó của ASEAN đối với tình hình Biển Đông rất có vấn đề.

TS Choong phân tích, ASEAN đang chia rẽ về cách thức đối với việc Trung Quốc thách thức ở Biển Đông. Năm 2012, vai trò chủ chốt của ASEAN bị giảm sút đáng kể khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức, các bộ trưởng ASEAN không thể đưa ta tuyên bố chung, khi Campuchia đảm nhiệm vai trò chủ nhà. Điều tương tự lại vừa xảy ra ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào tháng 11/2015, khi Trung Quốc nỗ lực ngăn cản một bản tuyên bố chung đề cập những hành động của họ trên Biển Đông.

Ngoài ra, thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN bị trì hoãn vô thời hạn. Trung Quốc đồng ý đẩy nhanh việc tham vấn để thiết lập COC, nhưng điều này không chắc được thực hiện cho đến khi Trung Quốc hoàn thành kế hoạch của họ về việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ một khu vực như vậy, TS Choong nhận định.

Ông Choong cho rằng, sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy COC cũng minh chứng cho việc thiếu một phản ứng rõ ràng và đoàn kết đối với chiến lược “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu vào tháng 4/2012 giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, ASEAN giữ im lặng. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014, ASEAN đã phản ứng bằng “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và yêu cầu tất cả các bên liên quan “tự kiềm chế”, nhưng lại không đề cập đến Trung Quốc.

Theo giới học giả, ASEAN đang thiếu chiến lược để điều phối những tranh chấp liên quan đến tình hình Biển Đông

Theo giới học giả, ASEAN đang thiếu chiến lược để điều phối những tranh chấp liên quan đến tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Phải 1 năm sau ASEAN mới đưa ra một tuyên bố chỉ trích việc lấn biển của Trung Quốc có khả năng “phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”, TS Choong nói. Hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia vào tháng 4/2015 khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của sự ổn định, tự do hàng hải ở biển Đông, và kêu gọi đẩy nhanh việc ký kết COC, nhưng vấn đề Biển Đông hầu như không tiến triển, trong khi Bắc Kinh cho rằng, ASEAN không phải diễn đàn thích hợp để thảo luận tranh chấp ở Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề mà TS William Chong đặt ra, phát biểu tại hội thảo “Xây dựng lòng tin châu Á”, Phó giáo sư - Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, cho rằng không ai khác ngoài ASEAN có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và rằng đã đến lúc các nước nhỏ và vừa cũng cần trỗi dậy hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo được vai trò trung tâm này một cách hiệu quả, ASEAN đang đối mặt với không ít thách thức, theo thông tin trên báo Dân Trí.

Bàn về thách thức này, Tiến sỹ William Choong chỉ ra vai trò trung tâm của ASEAN đang giảm sút do mất phương hướng trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản. Ông cũng cho rằng, ASEAN chưa có chiến lược thực sự để điều phối, giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo. Trong khi đó, Giáo sư Renato De Castro, từ Đại học De La Salle của Philippines, cho rằng chính cách thức tiếp cận của ASEAN mà cụ thể là quy ước “không can thiệp nội bộ” đang hạn chế hợp tác để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đang ngày càng can dự vào tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đang ngày càng can dự vào tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ngay từ đầu, tranh chấp Biển Đông đã thu hút sự chú ý của Mỹ - nước đang duy trì vị thế hàng đầu về hải quân ở Đông Á bất chấp Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc kinh tế và quân sự. Về phần Nhật Bản, đối thủ chiến lược của Trung Quốc và đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á, đóng vai trò cân bằng trong các tranh chấp thông qua giúp đỡ các quốc gia khác có yêu sách về chủ quyền xây dựng tiềm lực hải quân.

Sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông đã tạo ra sự cân bằng chiến lược. Tuy nhiên, các nước nhỏ có yêu sách chủ quyền như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines lại mắc kẹt trong thế cân bằng chiến lược này. Do đó, các học giả  khuyến cáo, để giữ vai trò trung tâm một cách hiệu quả, ASEAN cần xây dựng niềm tin trong khu vực, thúc đẩy vai trò của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản - hai quốc gia đang chuyển hướng chính sách sang châu Á.

Nguyễn Yên (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang