Trung Quốc ‘nóng mặt, mạnh tay’ vì Mỹ tuần tra Biển Đông

author 19:07 28/10/2015

(VietQ.vn) - Trước việc tàu khu trục tên lửa USS Lassen tới tuần tra ở Biển Đông, Bắc Kinh đã điều chiến hạm theo sát USS Lassen và yêu cầu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc tới ‘ba mặt một lời’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, ngay sau khi Washington điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tới tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lập tức tuyên bố sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Đài Châu bám sát tàu Mỹ để theo dõi mọi động thái.

Trung Quốc tỏ rõ thái độ ‘khó chịu’ vì cho rằng Mỹ đang can thiệp sâu vào tình hình Biển Đông

Trung Quốc tỏ rõ thái độ ‘khó chịu’ vì cho rằng Mỹ đang can thiệp sâu vào tình hình Biển Đông

Cụ thể, báo VnExpress dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để "duy trì an ninh quốc gia". Đồng thời, ông Dương gọi hành động của Mỹ là "đe dọa an ninh và chủ quyền Trung Quốc, đe dọa các nhân viên và trang thiết bị trên đảo nhân tạo, đe dọa an toàn của ngư dân" hoạt động tại khu vực Trường Sa, "tổn hại tới hòa bình ổn định khu vực".

Cũng theo lời ông Dương, chiến dịch tuần tra của Mỹ là "hành động cưỡng ép nhằm quân sự hóa" khu vực Biển Đông và là "sự lạm dụng tự do đi lại theo luật pháp quốc tế”. Do đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đã điều một tàu khu trục tên lửa dẫn dường và một tàu tuần tra hải quân Trung Quốc theo sau và cảnh báo tàu chiến Mỹ "đúng luật. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói USS Lassen chỉ bị một tàu Trung Quốc theo sau ở khoảng cách an toàn khi USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nhưng không xảy ra sự cố nào.

Cũng nhằm bảo vệ cái gọi là ‘chủ quyền Biển Đông’, cùng ngày Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus, gọi việc Mỹ tuần tra là "cực kỳ thiếu trách nhiệm". Cơ quan này trước đó cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiên quyết đáp trả các "hành động khiêu khích đơn phương của bất cứ quốc gia nào".

Đáp lại việc Mỹ tuần tra Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp để ‘duy trì an ninh quốc gia’

Đáp lại việc Mỹ tuần tra Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp để ‘duy trì an ninh quốc gia’

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh nếu Washington tiếp tục "tạo căng thẳng trong khu vực", Bắc Kinh có thể sẽ "tăng cường và củng cố các năng lực liên quan". Ông Lục không nêu chi tiết nhưng bình luận này cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng "khuyên Mỹ nên suy nghĩ kỹ càng, không hành động mù quáng và gây chuyện".

Trái ngược với thái độ khó chịu ra mặt của Trung Quốc, đã có nhiều nước trong và ngoài khu vực như Philippines, Australia và Nhật Bản lên tiếng ủng hộ việc hải quân Mỹ điều tàu chiến USS Lassen tới tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ, mới đây Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đánh giá Mỹ đang hành động theo đúng luật pháp quốc tế.

Ông Abe nhấn mạnh các hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế. “Để bảo vệ vùng biển tự do, mở và hòa bình, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm đồng minh Mỹ” - ông Abe cam kết. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani cho rằng Nhật “cần nghiên cứu cách đối phó với tình hình trên Biển Đông do ảnh hưởng của nó đối với an ninh Nhật ngày càng gia tăng”.

Trong khi đó, nhiều nước tỏ ý ủng hộ việc Mỹ tuần tra quanh các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông

Trong khi đó, nhiều nước tỏ ý ủng hộ việc Mỹ tuần tra quanh các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông

Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng mô tả việc Mỹ tuần tra Biển Đông là “duy trì sự cân bằng quyền lực”. “Nếu các tuyên bố vô lý của một cường quốc khu vực không bị phản đối thì sẽ được chấp nhận, và nếu được chấp nhận thì sẽ trở thành thực tế” - ông Aquino cảnh báo. Ông Aquino khẳng định không chỉ Philippines mà các nước khác cần hoan nghênh và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố Canberra ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Về phần mình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Ông cho rằng cần phải giảm căng thẳng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

“Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn để đảm bảo trật tự trên biển, ngăn chặn đụng độ và bảo vệ tự do hàng hải. Chúng tôi muốn ASEAN và Trung Quốc khởi động đàm phán về nội dung bản Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” - ông Widodo nhấn mạnh.

Vân Anh (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang