Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Báo Trung Quốc tiếp tục xuyên tạc quan hệ Việt – Mỹ

author 06:08 27/10/2014

(VietQ.vn) - Bên cạnh đó, truyền thông nước này cũng đưa tin Trung Quốc gần đây liên tục tiến hành thử nghiệm các thiết bị lặn không người lái ở Biển Đông nhằm tăng cường giám sát khu vực này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Báo Trung Quốc xuyên tạc quan hệ Việt – Mỹ, bóp méo sự thật ở biển Đông

Truyền thông Trung Quốc mới đây đã cho đăng bài viết “Việt Nam tại sao trở thành con cưng mới của Mỹ, dựa vào họ cũng có thể đối đầu với Quân đội Trung Quốc?” có nội dung xuyên tạc, vu cáo quan hệ hữu nghị Việt – Mỹ cũng như đưa thông tin sai sự thật về tình hình Biển Đông.

Theo bài viết, từ thời cận đại đến nay, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam “chỉ có tăng lên mà không hề giảm đi”. Thậm chí, bài báo còn lớn tiếng tuyên bố Bắc Kinh “giúp Việt Nam thực hiện độc lập, thống nhất, cung cấp kinh nghiệm thành công cải cách mở cửa”. Mặt khác, tác giả bài viết còn đề cập đến mặt tiêu cực trong quan hệ Trung - Việt. Phát huy truyền thống “gắp lửa bỏ tay người”, bài báo khẳng định từ khi độc lập, Việt Nam đã nhiều lần "dao động" trong sự lựa chọn con đường (?!?), phủ một bóng đen lên quan hệ Trung - Việt.

Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Hình ảnh sự kiện Hải chiến Trường Sa năm 1988

Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Hình ảnh sự kiện Hải chiến Trường Sa năm 1988. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cứ nhìn vào các cuộc chiến tranh biên giới hay xâm lược biển của Trung Quốc đối với Việt Nam (năm 1974, 1979, 1988...) thì sẽ hiểu nguồn gốc sâu xa của mặt "tiêu cực" mà bài báo nói đến, mới thấy được bộ mặt thật đằng sau những phát ngôn xằng bậy, lừa đảo của nhiều bài viết trên báo chí và nhiều quan chức Trung Quốc, thể hiện rõ nhất là trong thời gian xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua.

Cũng theo bài báo, những năm gần đây, quan hệ Mỹ - Việt dần được cải thiện qua các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước mà mới đây nhất là việc Nhà Trắng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong khi vẫn giữ nguyên chính sách này ở Trung Quốc. Với giọng điệu ‘hậm hực, tức tối’, bài báo xuyên tạc vô căn cứ rằng: trước bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã quyết định lựa chọn chính sách “chân trong chân ngoài” (ý là ba phải) – tức là dựa vào Mỹ về an ninh, tiếp tục dựa vào Trung Quốc về kinh tế.

Bên cạnh đó, trước việc Chính phủ Việt Nam bất ngờ từ bỏ quyền đăng cai Á vận hội Hà Nội năm 2019 và tuyên bố "tiền dùng vào việc cần thiết nhất" (cụ thể là dùng 540 triệu USD mua 32 tàu tuần tra và cấp 225 triệu USD hỗ trợ ngư dân chế tạo tàu đánh bắt xa bờ, giữ vững chủ quyền biển Đông), truyền thông Trung Quốc lập tức vu cáo ý đồ “đối đầu với Trung Quốc” (tức là chống Trung Quốc thực hiện các hành động ăn cướp, bành trướng, khủng bố) của Việt Nam gần càng rõ ràng.

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong phạm vi Biển Đông Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong phạm vi Biển Đông Việt Nam. Ảnh minh họa

Trung Quốc thả hàng loạt ‘cá mập máy’ ở biển Đông

Cũng trong thời gian này, báo chí đưa tin Văn phòng nghiên cứu tự động hoá Thẩm Dương thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị lặn không người lái mới trên Biển Đông. Thời gian thử nghiệm kéo dài 40 ngày (từ 5/9 - 15/10) với tổng hành trình 1.022,5 km trên biển, lặn với thời gian liên tục 30 ngày trên Biển Đông. Bắc Kinh khoe khoang, thiết bị này đã phá kỷ lục về hành trình xa nhất và thời gian lặn liên tục lâu nhất cho thiết bị lặn không người lái của Trung Quốc.

Trong thời gian lặn liên tục, thiết bị lặn không người lái này đã hoàn thành 229 đợt giám sát ở độ sâu 1.000 mét, và có khả năng hành trình khoảng 1022,5 km. Thiết bị lặn trước đó của Trung Quốc chỉ có thể hành trình khoảng 500 km. Trang Sina (Trung Quốc) bình luận, thiết bị thử nghiệm mới lập được kỷ lục như trên nhờ có sự cải tiến vượt bậc ở phần mềm kiểm soát và thiết kế chỉ tiêu. 

Trước đó, hồi tháng 6/2014, Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm thiết bị lặn không người lái Hải Yến trên Biển Đông. Thiết bị này do Trường Đại học Thiên Tân Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, có khả năng lặn liên tục 21 ngày ở độ sâu tối đa 1.094 m. Trang Chinanews rêu rao Hải Yến  giống như ‘cá mập máy’ đi tuần tra dưới biển. 

Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Thiết bị lặn không người lái Hải Yến của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Thiết bị lặn không người lái Hải Yến của Trung Quốc. Ảnh Chinanews

Theo những thông tin mà các trang mạng Trung Quốc công bố, Hải Yến có thể được trang bị cảm biến phát hiện người nhái, thủy lôi và tàu ngầm từ khoảng cách xa. Ngoài ra, nó còn có thể mang được vũ khí, thực hiện các nhiệm vụ tấn công dưới nước bảo vệ tàu chiến. Vào thời điểm đó, Trung Quốc thường đe dọa biến Hải Yến thành vũ khí bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Không dừng ở các thiết bị lặn không người lái, trước đó, Trung Quốc còn thử nghiệm thiết bị lặn có người lái Giao Long ở Biển Đông. Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hồi tháng 7/2014, với các camera, máy ảnh gắn trên thân, nhiệm vụ của Giao Long ngoài việc thích ứng với độ sâu khác nhau còn kèm thêm việc 'thu thập mẫu vật dưới đáy biển, chụp ảnh địa hình đáy biển'.

Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc liên tục thử nghiệm thiết bị lặn trên Biển Đông là một động thái đáng lo ngại. Nếu được sử dụng để phục vụ mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, chúng có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với các phương tiện lưu thông trên Biển Đông.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Giáo Dục, Báo Đất Việt)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang