Tình hình Biển Đông ngày 9/11: Lộ tuyên bố của Hội nghị ASEAN về Biển Đông

author 06:55 09/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông và tiến độ bàn Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông là hai trong những nội dung trong dự thảo tuyên bố của chủ tọa hội nghị ASEAN tuần tới vừa bị tiết lộ ra ngoài.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, một quan chức cấp cao của một nước thành viên ASEAN cho hay, dự thảo tuyên bố của chủ tọa hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar tuần tới đã bị tiết lộ ra ngoài, trong đó bày tỏ sự lo ngại của các thành viên hiệp hội trước tình hình Biển Đông cũng như đề cập tiến độ bàn thảo Bộ Quy tắc ứng xử.

Quan chức giấu tên này khẳng định, tài liệu bị rò rỉ là bản dự thảo tuyên bố của nước chủ tọa, sẽ được đưa ra khi bế mạc cuộc họp. Được biết, nội dung bản tài liệu được viết ở thì quá khứ, mặc định rằng  hội nghị đã diễn ra. Trong bản tài liệu này có đoạn, "Chúng tôi bày tỏ quan ngại với những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc duy trì hòa bình và ổn định, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải, bao gồm cả các chuyến bay trong và qua vùng trời Biển Đông.”

Tình hình Biển Đông ngày 9/11: Tàu Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 7/2014

Tình hình Biển Đông ngày 9/11: Tàu Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 7/2014. Ảnh Reuters

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải. Chúng tôi kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi cũng ghi nhận những tiến bộ trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tiến độ đàm phán và xúc tiến để nhanh chóng đạt được COC", dự thảo này viết.

Được biết, Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận để đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử ràng buộc ở Biển Đông nhưng cho đến nay chỉ đạt được ít tiến triển. Các nước đã ký kết Tuyên bố không ràng buộc về ứng xử các bên ở Biển Đông hơn 10 năm trước. Phía Trung Quốc cho biết sẽ chỉ đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với từng nước và cự tuyệt cách tiếp cận đa phương để giải quyết vấn đề. 

Phản ứng trước việc rò rỉ tài liệu, người đứng đầu về các vấn đề ASEAN của Myanmar, Aung Lin, cho biết mỗi nước thành viên của khối có nghĩa vụ giữ bí mật tài liệu. "Chúng tôi phân phối dự thảo trước cho các nước thành viên để xin ý kiến", ông nói. "Mỗi quốc gia thành viên của hiệp hội có nhiệm vụ giữ bí mật những tài liệu này cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh. Đó là quy tắc quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo này có thể được thay đổi sau khi các nước kết thúc thảo luận".

Tình hình Biển Đông đang dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của ASEAN và thế giới

Tình hình Biển Đông đang dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của ASEAN và thế giới. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác, các phương tiện truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới châu Á trong tuần sau. Đây là chuyến thăm đã được các nước châu Á trông đợi từ lâu sau hai năm ông Obama lỡ hẹn với Hội nghị thượng đỉnh APEC vì các vấn đề nội bộ của nước Mỹ và đảng Dân chủ. Sau một loạt các sự kiện như sự trỗi dậy của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, xung đột ở Ukraine cho tới sự lây lan của Ebola, Tổng thống Obama muốn thông qua chuyến đi này cho thấy Washington vẫn đang dõi theo các vấn đề của Châu Á.

Song song với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức vào ngày 10/11 ở Bắc Kinh, Tổng thống Obama sẽ có cuộc đối thoại bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 ngày 11 và 12/11. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar bên lề Hội nghị các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở thủ đô Nappyidaw trước khi đến Úc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. 

Bình luận về điều này, Earnest Bower, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) dự đoán, “sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đây sẽ là một chuyến đi đầy khó khăn đối với Tổng thống Obama”. Lý do là bởi Đảng Dân chủ của ông Obama đã thất thế trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ngày 4/11. Các đối thủ chính trị của tổng thống giờ đang ngồi trong Quốc Hội, giành quyền kiểm soát Thượng viện và nắm giữ Hạ viện. 

Tình hình Biển Đông ngày 9/11: Tổng thống Obama quan tâm đến biển Đông tại APEC

Tình hình Biển Đông ngày 9/11: Tổng thống Obama quan tâm đến biển Đông tại APEC. Ảnh AP

Do đó, chuyến đi này sẽ là cơ hội cho Tổng thống Obama tái cam kết với châu Á kể từ lần ông không tham dự cuộc đàm phán năm 2013 tại Bali do khủng hoảng ngân sách. Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice khẳng định: “Tổng thống vẫn giữ cam kết mạnh mẽ về chiến lược tái cân bằng châu Á và điều này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kì thứ 2 của ông. An ninh và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất nhiều. Mỹ đang và sẽ tiếp tục giữ vững quyền lực ở khu vực này.”

Giới quan sát quốc tế nhận định, mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Obama trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc lần này là việc tranh chấp biển đảo ở biển Đông và Hoa Đông. Vì vậy, mặc dù vấn đề tranh chấp biển Đông có thể không được đề cập tại APEC, nhưng đó sẽ là một thách thức phải nói tới tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tổng thống Obama nên tận dụng cơ hội này kêu gọi các nước phải làm rõ những đòi hỏi về chủ quyền trên biển Đông và ngăn chặn các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, một chuyên gia nhận xét.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vnexpress, Thanh Niên)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang