Tình hình Biển Đông ngày 8/11: Trung Quốc kéo giàn khoan thứ 2 ra Biển Đông

author 06:37 08/11/2014

(VietQ.vn) - Truyền thông Trung Quốc loan tin, nước này vừa đưa giàn khoan Nam Hải 9 tới khoan thăm dò nước sâu ở Biển Đông, một động thái làm tăng nhiệt tình hình Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo, giàn khoan mới Nam Hải 9 nửa nổi nửa chìm là giàn khoan thế hệ thứ 4 của Trung Quốc, được thiết kế để có thể hoạt động ở vùng biển sâu 1.524 m và có khả năng khoan sâu tối đa là 7.620 m.

CNOOC cho hay, giàn khoan mới Nam Hải 9 đã hoàn thành lần khoan thăm dò nước sâu đầu tiên ở giếng Lăng Thủy 25-1-1 có độ sâu 3.930 m trên Biển Đông. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc (cụ thể là mạng tin Sina) không nói rõ vị trí hoạt động cụ thể của giàn khoan Nam Hải 9 trên Biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 8/11: Giàn khoan Nam Hải 9 khoan thăm dò nước sâu ở biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 8/11: Giàn khoan Nam Hải 9 khoan thăm dò nước sâu ở biển Đông. Ảnh VTC

Các chuyên gia nhận định, giàn khoan Nam Hải 9 là giàn khoan nước sâu lớn thứ 2 của Trung Quốc sau giàn khoan Hải Dương 981 được sản xuất đầu tiên. Giàn khoan Nam Hải 9 là một trong 4 giàn khoan của Trung Quốc được triển khai ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trước đó, ngày 2/5, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau hơn 70 ngày hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, ngày 16/7, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 với lý do 'đã hoàn thành nhiệm vụ'.

Trong một diễn biến khác, thông tấn xã Đài Loan dẫn lời Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố, cơ quan này không có kế hoạch triển khai tên lửa, tàu chiến thường trú (trái phép) trên đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Tuy nhiên quân đội Đài Loan sẽ "giúp" lực lượng cảnh sát biển đào tạo nhân viên của họ "có khả năng chiến đấu không khác gì hải quân".

Tuần trước, một số nhà lập pháp Đài Loan yêu cầu Bộ Quốc phòng tăng cường bố trí tên lửa, tàu chiến thường trú ở đảo Ba Bình để nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công từ Trung Quốc (thậm chí có người lo phải đối phó với khả năng Việt Nam tấn công thu hồi đảo Ba Bình). Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Minh  và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Vương Tiến Vượng đã cùng một số nhà lập pháp Đài Loan thị sát (bất hợp pháp) đảo Ba Bình.

Tình hình Biển Đông ngày 8/11: Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh vừa thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình, Trường Sa

Tình hình Biển Đông ngày 8/11: Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh vừa thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình, Trường Sa. Ảnh Giáo Dục

Theo thông tin từ tờ Taipei Times ngày 7/11 cho biết, chuyến thị sát này các quan chức Đài Loan quan sát đánh giá việc cải tạo (bất hợp pháp) sân bay và cầu cảng trên đảo Ba Bình, theo tiến độ phê duyệt sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015. Tuy nhiên các nhà lập pháp đảng Dân chủ tiến bộ đối lập đã lo ngại về một số "rủi ro đe dọa an ninh quốc gia" sau khi có thông tin một công ty Trung Quốc là chủ sở hữu bí mật của 2 chiếc tàu mà Đài Loan thuê vận chuyển vật liệu ra đảo Ba Bình.

Một trong 2 chiếc tàu này đăng ký tại Liberia và một chiếc còn lại ở Campuchia đã được thuê để vận chuyển các kết cấu bê tông và vật liệu xây dựng ra Ba Bình. Quản Bích Linh và Khâu Chí Vĩ, 2 nhà lập pháp của Ủy ban Ngoại giao - quốc phòng cho rằng các tàu có liên quan đến Trung Quốc không nên được thuê vào việc vận chuyển vật liệu ra Ba Bình vì nguy cơ gián điệp rất cao.

Dù không phải tàu đăng ký ở Trung Quốc, nhưng thủy thủ đoàn là người Trung Quốc đang hoạt động trên 2 tàu này, dữ liệu thủy văn xung quanh đảo Ba Bình có thể bị lộ. Nhiều thông tin nhạy cảm về tuyến đường biển từ Cao Hùng, Đài Loan ra Ba Bình cũng có thể bị lộ.

Minh Thùy (tổng hợp từ VTC, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang