Tình trạng chậm, hủy chuyến bay thường xuyên: Cục Hàng không nói gì?

author 06:12 08/08/2015

(VietQ.vn) - Tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không trong tháng 7 tăng vọt, thậm chí còn xảy ra lộn xộn, xô đẩy do quá bức xúc chỉ vì chậm chuyến.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tháng 7 vừa qua, tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không đột nhiên tăng vọt. Theo thống kê, tháng 7/2015, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 17.856 chuyến bay với 3.817 chuyến bay bị chậm, chiếm 21,4%, tăng đột biến so với 6 tháng đầu năm 2015.

Đứng đầu về tỉ lệ chậm chuyến là Vietjet Air với 24,2%, tiếp đến là Vietnam Airlines với 21,5%. Jetstar Pacific đứng cuối bảng là 19,9%. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm chuyến chiếm 25,8%, khách quan chiếm 4,4%, tàu bay về muộn chiếm 69,8%.

Trả lời về nguyên nhân chậm chuyến, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đây là mùa cao điểm trong năm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao; các hãng hàng không tăng chuyến bay khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Do đó, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại các đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh; chuyến bay phải xếp hàng để chờ cất, hạ cánh, gây chậm dây chuyền cho các chuyến bay khác.

Đồng thời, trong tháng 7, Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất phải sửa chữa đường băng do sét đánh từ ngày 16/7 đến ngày 19/7 và do thời tiết bất thường với nhiều trận mưa lớn ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam cũng là một nguyên nhân khiến số lượng các chuyến bay bị chậm tăng vọt trong tháng 7.

Chậm chuyến bay

Khách hàng vạ vật ở sân bay do bị chậm chuyến, hủy chuyến. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho hay, một nguyên nhân khác là tàu bay chậm khai thác do phát hiện ra hỏng hóc kỹ thuật trước chuyến bay.

Giải pháp để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đối với hãng hàng không cần điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, huỷ chuyến. Rà soát, chấn chỉnh các quy trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không; Tổ chức đánh giá năng lực hạ tầng, trang thiết bị và phục vụ mặt đất tại toàn bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay để điều chỉnh lịch bay phù hợp.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu nâng cao năng lực điều hành quản lý bay, đặc biệt trong các thời điểm thời tiết xấu, mở rộng vòng chờ và giảm phân cách giữa các tàu bay… Đồng thời, nhiều giải pháp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam triển khai nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Quyền lợi của hành khách khi bị chậm chuyến, hủy chuyến

Thông tư số 36/TT-BGTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký ban hành quy định đối với các chuyến bay bị chậm, gián đoạn và hủy chuyến, hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; bố trí nhân viên thông báo và tổ chức cung cấp các dịch vụ mà hành khách được hưởng theo quy định, giải quyết các thắc mắc và nhu cầu của hành khách trên cơ sở tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

Trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên, hãng hàng không có trách nhiệm:

        a) Thông báo cho hành khách các thông tin có liên quan đến chuyến bay, cụ thể như sau: số hiệu chuyến bay và chặng bay; lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách (vị trí, dấu hiệu nhận biết);

        b) Xin lỗi hành khách.

Trường hợp khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định sau:

        a) Thời gian chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống nhẹ;

        b) Thời gian chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm: từ 06 giờ 00 đến 08 giờ 00 phục vụ bữa sáng, từ 12 giờ 00 đến 14 giờ 00 phục vụ bữa trưa, từ 19 giờ 00 đến 21 giờ 00 phục vụ bữa tối;

        c) Thời gian chậm từ 6 giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không;

        d) Thời gian chậm từ 6 giờ trở lên (từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách;

        đ) Chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Hãng hàng không được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ tại các điểm b, c và d nói trên trong các trường hợp:

        a) Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến an toàn khai thác chuyến bay;

        b) Nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến an toàn khai thác chuyến bay;

       c) Chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không phải do lỗi của người vận chuyển.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang