10 sự kiện mất an toàn sản phẩm thế giới năm 2013

author 09:01 17/12/2013

(VietQ.vn) - Cùng Chất lượng Việt Nam điểm lại những sự kiện mất an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hoá nguy hiểm nhất trên thế giới trong năm 2013.

Sự kiện:

1. Thuốc Panadol thu hồi tại Úc

Cục quản lý dược phẩm điều trị Úc (TGA) thuộc bộ Y tế Úc đã xác nhận sai sót của hãng GSK và cho biết ống tiêm để đo liều lượng thuốc Children's Panadol Baby Drops cho trẻ bị đánh dấu dung tích sai tiêu chuẩn, dẫn đến việc cha mẹ cho trẻ uống thuốc quá liều. Đây là sản phẩm dành cho trẻ từ 1 đến 12 tháng tuổi. Trong bao bì đóng gói có một lọ thuốc dung tích 20ml, kèm theo một bơm tiêm để đo liều lượng thuốc.  Điều này dẫn đến mối nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, khi bất cứ lần uống thuốc nào của trẻ cũng bị quá liều nếu cha mẹ sử dụng loại bơm tiêm này. 

2. Que thử đường huyết của Abbott thu hồi tại Mỹ và Hồng Kong

Que thử đường huyết FreeStyle và FreeStyle Lite Blood được sản xuất bởi hãng dược và dinh dưỡng Abbott đã cho ra kết quả sai, thấp hơn so với lượng đường huyết thực tế.Khi sử dụng 2 loại que này để đo đường huyết bằng các loại máy: FreeStyle Blood Glucose Meter, FreeStyle Flash Blood Glucose Meter và Insulin OmniPod đều cho ra kết quả sai. Do vậy, Abbott đã phải tự nguyện thu hồi 20 lô hàng que thử đường huyết FreeStyle và FreeStyle Lite Blood.

Đèn ngủ IKEA bị thu hồi

3. Thu hồi 5100 chiếc Macbook có nguy cơ cháy nổ

Nhà bán lẻ Mỹ Best Buy vừa cho biết họ đang tìm cách thu hồi 5.100 thỏi pin thay thế dùng cho MacBook được bên thứ 3 là ATG sản xuất, sau khi có phản hồi từ 1 số người dùng là máy Mac của họ bị cháy do dùng pin này.Đã có 13 báo cáo từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Người tiêu dùng Hoa Kỳ (U.S. Consumer Product Safety Commission) cho biết các mẫu pin của BestBuy gặp hiện tượng cháy nổ, khiến ít nhất là một người dùng bị bỏng nặng ở phần chân.

4. Thu hồi hàng triệu đèn ngủ IKEA

KEA đang thu hồi hàng triệu chiếc đèn treo tường sau khi có báo cáo về trường hợp một em bé bị vướng vào cuộn dây đèn và bị nghẹt thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, một em bé khác cũng bị thương do tai nạn tương tự tại Mỹ. Mẫu sản phẩm “SMILA” là loạt đèn treo tường đình đám dành cho trẻ em của hãng nội thất danh tiếng IKEA, được bán ra lần đầu tiên vào năm 1999 và vẫn duy trì độ hút hàng từ đó đến nay. Ưu điểm nổi bật của mẫu hàng này là mẫu mã đẹp, dễ thương. Những người đang sở hữu đèn SMILA tại Mỹ được khuyên tạm ngừng sử dụng, mang đèn đến các cơ sở thu hồi để được cấp thêm một bộ kit nhằm cố định dây treo và công tắc trên đèn.

5. Thuốc giảm cân OxyElite Pro làm tổn thương gan

Cục quản lý Dược và thực phẩm FDA của Mỹ đã tiến hành thu hồi thuốc giảm cân, tạo cơ bắp OxyElite Pro do chứa chất bẩn gây tổn thương gan.Cơ quan Khoa học Y tế (HAS) của Singapore đã cấm lưu hành loại dược phẩm giảm cân này trên quốc đảo Sư tử. OxyElite Pro được quảng cáo là loại thực phẩm chức năng và có thể đốt mỡ, giảm cân với thành phần chiết xuất từ thảo dược. Tuy nhiên, HAS đã tiến hành thí nghiệm OxyElite Pro và thấy rằng nó chứa thành phần dược phẩm từ phương Tây không được phép có trong thực phẩm chức năng.

6. Kanebo thu hồi mỹ phẩm toàn Châu Á 

Hãng mỹ phẩm Kanebo Nhật Bản ngày 4/7 tuyên bố thu hồi 54 sản phẩm làm trắng da từ khắp châu Á vì có các khiếu nại chúng gây ra triệu chứng da mất màu, và triệu chứng này không hết ngay cả khi ngưng sử dụng.Công ty Kanebo Nhật Bản cho biết: “Một số người tiêu dùng phàn nàn rằng xuất hiện những đốm trắng trên da sau khi sử dụng sản phẩm. Lúc đầu, tình trạng này được cho là một loại bệnh ngoài da, nhưng có một mối lo ngại ngày càng tăng về mối liên hệ với 4HPB dẫn tới quyết định thu hồi sản phẩm”.Đã có 39 đơn khiếu nại từ khách hàng tại Nhật Bản. Trong số đó, 15 trường hợp bị tình trạng không được cải thiện ngay cả sau khi họ ngừng sử dụng sản phẩm. Việc thu hồi ảnh hưởng đến Nhật Bản và 10 vùng lãnh thổ châu Á: Đài Loan, Hồng Công, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

7. Coca Cola thu hồi sản phẩm nước trái cây Minute Maid 

Hãng nước giải khát Coca Cola phải tiến hành thu hồi một số sản phẩm nước trái cây hiệu Minute Maid do các nắp chai của những sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể dẫn tới tình trạng làm hư, hỏng nước ép, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.Trước đó, Coca-cola cũng phải thu hồi nhiều sản phẩm do có chứa thuỷ tinh trong nước ngọt. Các sản phẩm trong diện thu hồi bao gồm nước giải khát Schweppes Lemonade, Tonic Water, Soda, Dry Ginger Ale và Lemon Twist Soda, chứa trong chai thủy tinh 330ml, hạn sử dụng tốt nhất trước ngày 10 đến 30/1/2014. 

Sản phẩm bị thu hồi của Herbalife

8. Thu hồi 4.000 đồ chơi ghép hình Trung Quốc gây ngạt thở 

Công ty Small World Toys Enterprises của Mỹ và Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) phải tiến hành thu hồi khẩn cấp khoảng bộ 4.000 đồ chơi ghép hình bằng gỗ trên toàn nước Mỹ. Sản phẩm trong diện thu hồi có tên Spin-A-Mals Farm và Spin-A-Mals Safari, được sản xuất ở Trung Quốc và được bán tại các cửa hàng đồ chơi trên toàn nước Mỹ từ tháng 5/2012 đến tháng 10/ 2012 với giá bán khoảng 25 đô la Mỹ.Mặc dù không có thương tích xảy ra nhưng CPSC đã nhận được ít nhất 4 đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc các cọc lồi bị rơi ra khỏi bảng ghép. Do đó, CPSC nhận thấy những cọc lồi này dễ rơi khỏi bảng, gây nguy cơ nuốt phải hoặc ngạt thở cho trẻ em.

9. Herbalife thu hồi sản phẩm gây dị ứng 

Hãng Herbalife, một trong những hãng thực phẩm chức năng lớn nhất thế giới, đã thu hồi Hỗn hợp dinh dưỡng công thức 1 (Instant Heathy Meal Nutritional Shake Mix) trên toàn nước Mỹ. Lý do của đợt thu hồi này là Herbalife nhận được khuyến cáo của Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ về việc sản phẩm chứa một lượng nhỏ sữa, trong khi trên bao bì của sản phẩm lại ghi rõ hoàn toàn không chứa sữa. Hãng đã bán các sản phẩm thông qua một mạng lưới các nhà phân phối và bán hàng độc lập tại Mỹ từ ngày 16/01/2013 đến ngày 16/02/2013. Sản phẩm được đóng trong thùng các-tông 12 hộp hoặc từng gói nhỏ trong bộ sản phẩm khởi nghiệp của các nhà phân phối. 

10. Sô-cô-la của Nestle bị thiêu hủy tại Trung Quốc 

Chính quyền Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt việc thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong những năm gần đây sau một loạt các vụ bê bối với hàng hoá giả mạo hoặc kém chất lượng.Kem pho mát của hãng Kraft và 2,7 tấn sô-cô-la của hãng Nestle nằm trong số hàng chục sản phẩm nhập khẩu bị thiêu hủy trong đợt kiểm tra chất lượng. Sô-cô-la của Nestle có chứa quá nhiều sorbitol, một chất làm ngọt với số lượng lớn có thể gây ra các vấn đề về đường ruột. 

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang