‘Trên chiếc xe wave, con đi mọi nẻo đường’

author 10:45 19/06/2020

(VietQ.vn) - Mẹ thấy tôi gầy, mẹ bảo: “Làm báo vất vả quá, hay là chuyển nghề đi con”. Tôi chỉ cười nói: “Trên chiếc xe wave, con đi mọi nẻo đường”

Nếu có "duyên tiền định", với tôi có lẽ đó là duyên với nghề báo.

Duyên nghề

Năm ấy tôi học lớp 7 và hôm đó đúng vào dịp 19/5 kỉ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nước da rám nắng, thân hình gầy, mái tóc bạc phần nhiều và giọng nói của một người lính từng trải, bố tôi kể về những ngày nếm mật nằm gai trong cuộc chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang năm 1979.

Bố là trinh sát, trong nhiệm vụ bí mật lần ấy xác định đi là không có ngày về nên đã được làm lễ truy điệu trước, may mắn thay vẫn giữ được “gáo” trở về. Rồi những tháng ngày nằm phục trên điểm đồi chờ lệnh, tóc dài đến ngang lưng như thổ dân, cả tuần trời không tắm, ăn uống kham khổ, có những lúc tưởng chừng gục ngã…

“Bố nhớ nhất trong một lần chiến đấu sát lá cà cam go, nhiều đồng đội ngã xuống. Có một nữ nhà báo chiến trường đến tác nghiệp chân đi dép cao su, đầu đội mũ tai bèo, quần áo lấm lem, chiếc máy ảnh đầy mùi thuốc súng… nhưng đôi mắt sáng và đôi tay linh hoạt chụp ảnh khiến bố cảm thấy nể phục thực sự. Con hiểu không? Làm việc trong những hoàn cảnh như thế không đơn thuần là làm nhiệm vụ nữa, đấy là yêu nghề… Sau này con thích làm gì?” bố nói.

Tôi chỉ hỏi bố có biết cô nhà báo đấy ở đâu không? Cô ấy đã viết những gì không? Bố bảo chỉ nhớ như in hình ảnh đấy trong đầu, chứ sau này không có liên lạc nên không rõ. Và tôi, với tâm hồn của một đứa trẻ cứ nuối tiếc ngẩn ngơ. Trẻ con mà, nay thích làm giáo viên, ngày mai đẹp trời lại thích làm tỉ nghề. Tôi nhớ hình ảnh cô nhà báo ấy và ngày ấy tôi ước được làm một nữ nhà báo.

Bẵng đi, đến lúc thi đại học tôi lại nộp hồ sơ thi Học viện Ngoại giao, tôi không còn nhớ đến nghề báo nữa, nhưng trong tôi luôn có một đam mê cháy bỏng được viết bởi với tôi, ngôn từ là tài sản luôn đong đầy. Liệu có phải là cái duyên nghề như các cụ vẫn bảo? Tôi thi 2 năm đều trượt, cả 2 năm đều thiếu nửa điểm. Sau đó, tôi đỗ nguyện vọng 2 vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ra trường, tôi làm báo!

Dấn thân

Chập chững bước chân vào làng báo, tôi có lẽ chưa đủ tuổi để so sánh với những “cây đại thụ” trong nghề, đặc biệt là những nhà báo điều tra vang tiếng. Nhưng có lẽ cũng nên động viên mình bởi tôi có một trái tim đầy nhiệt huyết, một đam mê được viết đến cháy bỏng.

Ngày trước chiến tranh khốc liệt, các nhà báo xông pha ra chiến trường. Ngày nay hòa bình nhưng còn nhiều “ổ mối” cần nhà báo là người đi tìm người có khả năng “diệt mối”. Đừng nghĩ rằng phải làm những việc lớn lao mới là viết báo, ở những góc khuất kia cũng còn nhiều câu chuyện. Tôi luôn tâm niệm như thế từ khi bắt đầu làm nghề.

Sinh viên mới ra trường, tôi nghèo. Không phải may mắn như các bạn khi ra trường được bố mẹ mua xe mới hoặc đi làm chưa có lương được bố mẹ chu cấp. Tôi tự lo cả. Ngày được nhận vào tòa soạn, tôi khóc! Để được là phóng viên chính thức không đơn giản. Tất nhiên con đường trở thành phóng viên của tôi chẳng phải dễ dàng, cũng đầy mồ hôi và nước mắt. Mẹ thấy tôi gầy, mẹ bảo: “Nghề này vất vả quá, hay là chuyển nghề đi con”. Tôi chỉ cười nói: “Trên chiếc xe wave, con đi mọi nẻo đường”.

Tôi nhớ như như in vào tháng 6/2017, tôi nhận được cuộc gọi từ một người dân Thanh Hóa (do cơ duyên mà họ biết tôi làm báo). Cuộc nói chuyện chỉ vỏn vẹn 2 phút: Các bác sắp mất đất ở rồi cháu ơi, giúp các bác với! Câu chuyện bắt nguồn từ việc gia đình bác không muốn bán đất với giá bèo để phục vụ cho một dự án bất minh. Không chỉ bác mà nhiều người dân ở đấy cũng đang dở khóc dở cười, bởi thậm chí các đối tượng xấu còn thuê cả dân xã hội về dọa nạt. Ngày có quyết định hủy bỏ việc mua bán đất, tôi đã mừng rỡ như mình chính là nạn nhân. Bỗng nhiên, quãng đường từ Thanh Hóa lên Hà Nội với tôi hôm ấy ngắn lạ thường.

Hay như vụ việc ô nhiễm môi trường (bụi đá) do khai thác đá vôi tại Hà Nam. Trên con xe wave, tôi đi đến vùng người dân chịu ảnh hưởng kinh khủng nhất. Đến lúc ra khỏi vùng đó mà người tôi bạc trắng bụi đá. Dân khổ quá. Chật vật thu thập dữ liệu vì doanh nghiệp chỉ xả thải vào ban đêm khi người dân ngủ, sáng ra trời như mây mù. Còn ban ngày thì lại tỏ ra không có dấu hiệu vi phạm. Khi có quyết định, chuyển dân đến một vùng đất trong lành để sống và canh tác, cái cảm giác mừng rỡ trong tôi lại ùa về. Tôi biết, một lời cảm ơn ý nghĩa hơn muôn vàn khó nhọc và vật chất.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi có một bạn đồng nghiệp làm ở tờ báo khá lớn tham gia đưa tin về việc lũ quét ở Yên Bái làm 15 người thiệt mạng. Sáng hôm đó, khi nghe tin có lũ dữ, tôi nhắn tin hỏi anh “Lũ lớn không anh?”. Anh nói: “Lũ lớn lắm”. Chiều nhận được tin báo anh bị lũ cuốn. Tôi bần thần, không tin vào mắt mình, nhưng cuối cùng phải chấp nhận: Anh tử vì nghề.

Với tôi nghề báo xoáy quanh câu hỏi “vì sao?”. Nhưng để làm sáng tỏ câu hỏi đó, người ta có thể mất một ngày, một năm, vài năm hay thậm chí cả cuộc đời. Đặc biệt, vượt qua những cám dỗ trong nghề, đấy cũng là cả một nghệ thuật.

Hôm trước, tôi may mắn được gặp một anh cả trong làng báo, anh làm tại tờ Pháp luật TP.HCM. Vẻ điềm tĩnh cùng những câu nói chắc nịch khi phân tích một vấn đề của anh khiến tôi chỉ biết tròn mắt kinh ngạc. Tôi trộm nghĩ, mình còn non quá, không biết đến bao giờ mới được như anh. Rồi tôi lại tự mỉm cười: May mắn thật vì đã được gặp những con người như anh.

“Alo, cháu ơi, cháu làm báo phải không? - Vâng ạ, cháu chào bác!

Cháu ơi… - Dạ, bác cứ nói đi ạ, cháu nghe đây”

Thế đấy, tôi yêu nghề!

Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam(VietQ.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo cả nước nói chung những tình cảm gắn bó thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nguyễn Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang