TRỰC TUYẾN: Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam

author 11:01 16/07/2014

10g sáng nay 16-7, ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư - Bộ NN&PTNT), cho biết lực lượng kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo tại thực địa đã không còn tàu của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Toàn bộ tàu của Trung Quốc đã theo áp tải, bảo vệ giàn khoan về phía đảo Hải Nam.

Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan rút về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin. Cơn bão Rammansun như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc rút giàn khoan về.

“Trung Quốc thì rất nhiều mưu mô, không thể tin những gì họ nói, cũng không thể lường trước được. Vì thế, kể cả nó đã rút về thì lực lượng kiểm ngư vẫn rất cảnh giác, theo dõi và cập nhật tình hình trong những ngày tới” - ông Hà Lê nói.

Tàu Trung Quốc nối đuôi nhau về nước

Theo ông Hà Lê, ngay khi có thông tin về cơn bão Rammansun sẽ đổ bộ vào khu vực biển Hoàng Sa, Cục kiểm ngư đã lên kế hoạch, phương án để các tàu kiểm ngư, cũng như các tàu ngư dân đang hoạt động trên khu vực này sẽ về bờ để trú tránh bão. Đến lúc này, phía Trung Quốc đã rút tàu và giàn khoan về rồi, nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa có lệnh rút.

Theo ông Lê, với điều kiện thời tiết như hiện nay, đội tàu kiểm ngư có thể mất 10-12 giờ để vào đến đất liền.

 Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc về phía đảo Hải Nam. 

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, xác nhận: Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ tàu bảo vệ ra khỏi vị trí hạ đặt cũ trên thềm lục địa của Việt Nam.
 
“Hiện nay phía Trung Quốc đang tiến hành di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shinyou 981) và các tàu bảo vệ theo hướng giữa Bắc và Bắc Tây Bắc. Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, hiện nay vị trí của giàn khoan cách vị trí hạ đặt cũ khoảng hơn 40 hải lý” - ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trao đổi với PV Dân trí sáng 16/7.

Trước câu hỏi về khả năng Trung Quốc có hoạt động nào ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam trước khi họ rút giàn khoan không, ông Hà Lê cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa quan sát thấy vấn đề gì vì họ làm sâu dưới mặt nước”.

Về khả năng liệu các tàu thuyền của Việt Nam có thể tiếp cận vị trí hạ đặt cũ của giàn khoan sau khi Trung Quốc rút đi để tiến hành kiểm tra thực địa, ông Hà Lê nói: “Việc này tôi cũng chưa rõ lắm. Hiện tại lực lượng Kiểm ngư đang tiến hành quan sát nhưng vì thời tiết không thuận lợi lắm nên vẫn chưa thể có các hoạt động nào khác. Trước mắt lực lượng Kiểm ngư đang chủ động tránh bão Rammasu vì cơn bão này đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực giàn khoan cũ trên biển Đông”.

Trước đó, lúc 8g40 sáng 16-7, PV Hà Bình quan sát từ rada của tàu cảnh sát biển 4034 cho biết toàn bộ tàu Trung Quốc quanh vị trí cũ của giàn khoan Hải Dương 981 đã rút. Nhánh khác, PV Đông Hà báo: giàn khoan 981 rút trong vòng bảo vệ dày đặc tàu Trung Quốc.

Đến 7g sáng 16-7, theo quan sát của PV Hà Bình từ tàu 4034 trên vùng biển Hoàng Sa, giàn khoan Trung Quốc tiếp tục di chuyển so với vị trí ban đầu khoảng hơn 50 hải lý.

Các tàu Trung Quốc lần lượt rút gần hết khỏi vị trí giàn khoan, chỉ để lại một số tàu nhỏ.

Trước đó, diễn biến từ hơn 20g ngày 15-7 cho thấy Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 theo hướng Tây Bắc.

Tàu Trung Quốc có 3 lớp bảo vệ vòng tròn, vòng trong cùng có 16 tàu bảo vệ xung quanh giàn khoan, vòng thứ hai kết thành chữ L về phía tây và tây nam giàn khoan, cơ động theo đội hình hàng ngang và hàng dọc.

Tốp thứ 3 trên 10 tàu thả trôi cách giàn khoan 10 hải lý về phía đông và đông nam.

Cũng trong sáng sớm 16-7, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí cũ khoảng 30 hải lý.

Đến 6g40, PV Đông Hà báo: các tàu kiểm ngư lại phát hiện 10 tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc tiếp tục di chuyển cũng đang di chuyển về hướng tây bắc. Lúc 7g sáng các tàu này cách tàu Việt Nam khoảng 11 hải lý, đây là những tốp tàu đầu tiên di chuyển để dọn đường cho việc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981.

Lúc 5g15 ngày 16-7, PV Hà Bình báo về cho biết đến 4g sáng 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí ban đầu khoảng 20 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Vận tốc di chuyển trung bình khoảng 4,1 hải lý/giờ.

Hiện tại, chỉ còn 3 tàu Trung Quốc yểm trợ giàn khoan này.

5g sáng 16-7. ở một nhánh khác trên biển Hoàng Sa, PV Đông Hà của Tuổi Trẻ trên tàu kiểm ngư KN 629 cho biết: Lúc 5g sáng, tàu kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, phát hiện 6 tàu Trung Quốc di chuyển về hướng tây bắc với tốc độ 9 hải lý/giờ. Trong đó có 3 tàu hải cảnh nhìn rõ số hiệu gồm: 46101, 46102 và 46106.

Lúc 1g30 sáng 16-7, giàn khoan tiếp tục di chuyển vận tốc 4 hải lý trên 1 giờ, ổn định tốc độ cho đến thời điểm này.

Lúc 23g17 ngày 15-7, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 đã ngưng hoạt động ở vùng biển của Việt Nam.

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoảng 23g17 ngày 15-7 hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã ngưng hoạt động ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hãng tin này khẳng định giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực trên trong thời gian 73 ngày.

Giàn khoan này sẽ được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam. Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc là doanh nghiệp giám sát và vận hành giàn khoan Haiyang Shiyou 981.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Khâu Trung Kiến, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc viện kỹ thuật Trung Quốc cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của giàn khoan này trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở biển Đông.

Ông này còn cho rằng dù đã phát hiện có nguồn dầu ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển của Việt Nam nhưng tạm thời chưa cho khai thác vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này.

“Khi chưa có những đánh giá này thì tạm thời không để giàn khoan Haiyang Shiyou 981 khai thác dầu ở khu vực này” - ông Khâu cho biết.

Lúc 22g50 tối 15-7 có 10 tàu Trung Quốc ở vòng ngoài di chuyển theo hướng 290 độ, vận tốc 6 đến - 7 hải lý, sau đó thả trôi cách các tàu cảnh sát biển của ta khoảng 6 hải lý.

Tối 15-7, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong ngày 15-7, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển ghi nhận giàn khoan 981 dịch chuyển khoảng 8 hải lý.

 Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm qua 15/7, thông báo đã chính thức dừng hoạt động giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Tân Hoa Xã, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, CNPC đã chính thức dừng hoạt động của giàn khoan này.

Hãng tin của Trung Quốc còn cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực trên trong thời gian 73 ngày.

Sau khi rời khỏi thềm lục địa Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được chuyển đến hoạt động gần khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc.

CNPC đã tiến hành khoan thăm dò bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận thế giới. Bên cạnh đó,  Trung Quốc đã huy động nhiều tàu và máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan và các hành động hung hăng, khiêu khích như chủ động đâm, va tàu cá và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
 
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982.

Việc Trung Quốc tiến hành hoạt động hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu trái phép nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông.
 
Trước những bước đi ngang ngược của Trung Quốc, dư luận quốc tế không ngừng bày tỏ sự bất bình. Hòa cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính giới nhiều nước, các tổ chức quốc tế và giới học giả đã liên tục lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của Trung Quốc.

 

 

Theo báo Tuổi trẻ - Dantri - Tienphong - TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang