Trung Quốc cấm biên: Giá gạo Việt không thấp hơn được nữa!

author 07:16 08/08/2014

Sau một thời gian đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua biên giới, bất ngờ Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên.

Trung Quốc cấm biên gạo Việt Nam?

Ngày 7/8, trao đổi với PV Đất Việt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Hà Công Tuấn cho biết, tại cuộc họp chiều 6/8, làm với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo miền bắc không thấy đơn vị nào phản ánh việc Trung Quốc cấm biên gạo Việt Nam.

“Tuy nhiên, việc Trung Quốc cấm biên thực tế cũng có lúc chỗ nọ mở chỗ kia đóng nhưng không thành một chủ trương từ phía Trung Quốc”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo cho Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch

Trong khi đó, một số thương lái kinh doanh gạo cho biết Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên song nhận định về vấn đề này, cả thương lái cũng như chuyên gia đều cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo Việt Nam thậm chí về lâu dài sẽ mang lại nhiều điểm tích cực.

Cụ thể, ông Nguyễn Công Khanh - một thương lái kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ngụ tại Hải Phòng thông tin trên TBKTGS cho biết, hiện chỉ có gạo chính ngạch được phép đi còn gạo tiểu ngạch đã bị Trung Quốc cấm nhập.

Ông Khanh cho biết lý do Trung Quốc cấm biên, không cho nhập khẩu là nhằm quản lý việc trốn thuế nhập khẩu gạo của các doanh nghiệp, chủ vựa mua gạo từ Việt Nam. “Các nhà buôn của Trung Quốc nhập gạo từ Việt Nam thường thì họ trốn thuế, cho nên chính quyền Trung Quốc cấm, không cho gạo vào nữa và sẽ thống nhất đưa ra một mức thuế để quản lý”, ông Khanh nói.

Cũng trên tờ TBKTSG, bà Nguyễn Thị Tự, ngụ tại Hải Phòng - một thương lái khác chuyên cung cấp gạo cho các đầu mối phía Trung Quốc cũng xác nhận phía Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm biên để ngăn chặn việc trốn thuế mua gạo của doanh nghiệp.

Mỹ rục rịch điều tra Việt Nam bán phá giá gạo

Cùng ngày, trao đổi với PV Đất Việt về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân – chuyên gia lúa gạo cho biết, lý do mà Trung Quốc đưa ra do ngay chính quyền Trung Quốc cũng muốn hạn chế xuất khẩu gạo tiểu ngạch và muốn xuất khẩu theo chính ngạch do xuất khẩu tiểu ngạch thì vấn đề thuế má bị thất thu.

“Trung Quốc muốn thu lợi cho chính phủ, người dân Trung Quốc phải ăn gạo giá cao hơn còn giá gạo Việt Nam không thể thấp hơn được nữa”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, điều này tác động ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam phải làm đàng hoàng nâng chất lượng gạo tốt hơn để xứng đáng bán với giá cao hơn, xuất khẩu chính ngạch.

“Việt Nam không sợ Trung Quốc không mua, họ bắt buộc phải mua vì họ thiếu gạo ăn. Hơn nữa các tỉnh phía nam Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về lúa gạo đặc biệt lúa gạo Việt Nam do không còn chỗ nào mua, không ai bán rẻ như Việt Nam. Tại những vùng này nhiều gia đình Trung Quốc chỉ có mức thu nhập trung bình thấp”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Theo đó GS Võ Tòng Xuân khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ không đột ngột đóng cửa biên mậu đối với sản phẩm gạo vì gạo không giống các loại nông sản khác, gạo là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, nhìn nhận động thái này từ phía Trung Quốc, GS Võ Tòng Xuân cho biết, điều này đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm ăn đàng hoàng, phải làm chất lượng có thương hiệu để giữ khách hàng, không bán trôi nổi cho thương lái.

“Về lâu dài việc cấm biên sẽ mở cơ hội cho việc xuất khẩu chủ yếu đường chính ngạch ổn định về chất lượng, giá có lợi hơn cho xuất khẩu gạo Việt Nam”, GS Võ Tòng Xuân nói.

GS Võ Tòng Xuân cũng thừa nhận, thời điểm đầu có thể bị ảnh hưởng do những người làm ăn theo kiểu chụp giật, hạ giá thu mua của nông dân, bán rẻ cho bên kia sẽ bị thiệt hại trước nhất.

Ngoài ra, GS Võ Tòng Xuân cũng thông tin thêm, hiện cũng đã có thông tin Mỹ rục rịch điều tra đánh thuế gạo Việt Nam đưa sang Mỹ bán phá giá.

“Mỹ làm như vậy là đúng vì Việt Nam bán giá rẻ để người ta mua, không đưa hết các chi phí vào giá thành, người nước ngoài ăn gạo Việt Nam cũng được tính rẻ, cũng được nhà nước Việt Nam bao cấp nhưng nhà nước không hay. Ví dụ mình không đưa khấu hao hệ thống công trình thủy lợi mà nhà nước vay tiền để làm, không hạch toán khấu hao trong giá thành của hạt gạo nên gạo mình bán với giá rẻ nếu tính vào thì giá gạo sẽ cao hơn…”, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang