Truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn

author 05:23 25/05/2024

(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13805:2023 hướng dẫn việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả các quy trình nội bộ và bên ngoài.

Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi một sản phẩm hoặc mặt hàng trong suốt chuỗi cung ứng của nó, từ nguồn cung đến người tiêu dùng cuối cùng. Truy xuất nguồn gốc giúp tăng tính an toàn sản phẩm và niềm tin của người dùng bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp xác định nguồn gốc của nhiễm bẩn hoặc khiếm khuyết trong các sản phẩm, thực hiện các biện pháp can thiệp có mục đích và thu hồi sản phẩm hiệu quả, đồng thời tăng tính minh bạch về nguồn gốc và cách xử lý sản phẩm.

Cũng giống như nhiều sản phẩm hàng hóa khác, việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn sẽ giúp các sản phẩm sữa trước khi lưu thông ra thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13805:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa phải đáp ứng các nguyên tắc chung nêu trong TCVN 12850. Cơ sở phải xác định đối tượng truy xuất (vật phẩm có thể truy xuất). Phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất, nhằm đảm bảo rằng các bên truy xuất xuôi cùng một đối tượng. Mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng.

Việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả các quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài. Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”). Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu giữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.

Chuỗi cung ứng sữa và các sản phẩm sữa nên đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn. Ảnh minh họa

Để có một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng thì tất cả các vật phẩm cần truy xuất xuôi hoặc cần truy xuất ngược đều phải được định danh đơn nhất toàn cầu. Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc nội bộ và bên ngoài. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nội bộ phải đảm bảo duy trì được những mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra.

Ít nhất, việc định danh các sản phẩm để truy xuất nguồn gốc cần ấn định mã số lô/mẻ; Khi sản phẩm được cấu trúc lại và/hoặc bao gói lại, sản phẩm mới phải được ấn định một mã truy vết sản phẩm đơn nhất mới (GTIN mới), khi đó phải duy trì mối liên hệ giữa sản phẩm mới với các đầu vào của nó; Khi một đơn vị logistic được cấu trúc lại, đơn vị logistic mới phải được ấn định một mã định danh đơn nhất mới (SSCC mới), thì phải duy trì mối liên hệ giữa đơn vị logistic mới với các đầu vào của nó.

Như vậy theo quy định trên thì việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa phải thực hiện có hiệu quả các quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài.

Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”). Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu giữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.

Yêu cầu chung đối với chuỗi cung ứng sữa, Tiêu chuẩn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cá nhân có thể sử dụng GLN (mã số phân định) để định danh cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm mà họ quản lý và chia sẻ mã số này với các nhà cung cấp và khách hàng. Có thể sử dụng các mã khác để định danh địa điểm hoặc định danh tổ chức, tuy nhiên GLN là đơn nhất, do đó tránh được xung đột tiềm ẩn về trùng lặp mã số.

GLN là phương tiện thống nhất để định danh một cơ sở chăn nuôi gia súc cho sữa. GLN được sử dụng để định danh cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như địa điểm, bao gồm cánh đồng hoặc lô cụ thể trong cơ sở. GLN có thể do Cơ quan GS1 quốc gia cấp hoặc cơ sở tự cấp bằng cách sử dụng tiền tố mã doanh nghiệp.

GLN cũng được sử dụng để truyền thông tin trong chuỗi cung ứng (bao gồm EDI), để định danh địa điểm “vận chuyển đến” hoặc các địa điểm khác (có thể là địa điểm vật lý hoặc không gian ảo như hộp thư điện tử).

Các hoạt động chế biến và bao gói khác nhau diễn ra trong chuỗi cung ứng sữa. Sữa có thể trải qua nhiều lần “biến đổi” trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Sản phẩm cần được truy xuất nguồn gốc trên tất cả các cấp bao gói khác nhau. Các đối tượng truy xuất bao gồm cả sản phẩm rời và đã được bao gói, thùng cac-tông, thùng chứa có thể tái sử dụng được dùng để vận chuyển và dùng cho các phương tiện vận chuyển.

Sử dụng mã số sản phẩm toàn cầu (GTIN). GTIN có thể được sử dụng để định danh sản phẩm sữa với lượng lớn (sữa chưa bao gói), sản phẩm sữa chế biến hoặc sản phẩm đã bao gói sẵn ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung ứng, cho đến người tiêu dùng cuối cùng.

Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, GTIN phải được ấn định càng sớm càng tốt. Chủ sở hữu thương hiệu (ví dụ: cơ sở chăn nuôi bò sữa, cơ sở chế biến) thường chịu trách nhiệm ấn định GTIN.

Khi các cơ sở bán lẻ, nhà phân phối hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống yêu cầu có nhãn riêng, các cơ sở đó là chủ sở hữu thương hiệu. Chủ sở hữu thương hiệu có trách nhiệm định danh sản phẩm của mình trong chuỗi cung ứng. Phương pháp tốt nhất là định danh các vật phẩm có nhãn riêng bằng GTIN. Trong trường hợp này, các cơ sở bán lẻ, nhà phân phối hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cung cấp GTIN để sử dụng trên bao bì của sản phẩm.

Việc ghi nhãn thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu của đối tác thương mại. Sử dụng thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng để ghi nhãn phụ thuộc vào loại sản phẩm như sau: Sữa tươi ghi nhãn ngày sản xuất; Sản phẩm sữa chế biến tiếp theo nếu quy trình sử dụng làm thay đổi hạn sử dụng của sản phẩm (ví dụ: gia nhiệt hoặc cấp đông sản phẩm), thì ghi nhãn ngày bao gói; Sữa bao gói lại dạng sản phẩm này không thay đổi về hạn sử dụng hữu ích của sản phẩm, do đó cần ghi nhãn ngày sản xuất ban đầu; Sản phẩm dành cho người tiêu dùng nên ghi nhãn hạn sử dụng cuối cùng và hạn sử dụng tốt nhất.

Ghi nhãn và in mã vạch đối với đối tượng truy xuất thì việc mã hóa các phần tử dữ liệu khác như ngày sản xuất hoặc ngày đóng gói cũng rất cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng mã vạch và thẻ RFID.

Tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa đều có trách nhiệm chia sẻ khi cần truy xuất nguồn gốc. Chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu gốc của sản phẩm và dữ liệu truy xuất, bên thu hồi/bên nhận sản phẩm thu hồi. Chịu trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu quy định cụ thể liên quan đến thử nghiệm sản phẩm, đánh giá rủi ro, khai báo sản phẩm, đăng ký động vật.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang