TS Lê Thống Nhất: ‘Không ai trên đời này giàu bằng lương’

author 09:34 22/08/2016

(VietQ.vn) - TS Lê Thống Nhất: "Phải cho nhân viên của mình giàu bằng con đường khác chứ không phải bằng lương. Vì không ai trên đời này giàu bằng lương cả".

TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam

Doanh nghiệp mới khởi nghiệp, làm thế nào để giữ được người tài trong khi tài chính hạn hẹp?

Đó là câu hỏi được một doanh nhân trẻ đưa ra với hai vị khách mời là TS Lê Thống Nhất và chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa tại chương trình Start-up UniTour tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Thương Mại - Hà Nội, ngày 21/8.

Giữ người bằng tiền là sai lầm

TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (Big School), cho rằng việc giữ được người tài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đây là câu hỏi không chỉ với các DN mới khởi nghiệp (Start-up) mà kể cả các tập đoàn lớn hiện nay cũng cực kỳ căng thẳng.

“Ai bảo là FPT, Viettel giữ được người tài, tất cả lãnh đạo các tập đoàn lớn đều đau đầu trong việc làm thế nào giữ được người tài”, TS Lê Thống Nhất nhận định. 

TS Lê Thống Nhất và chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp. Ảnh Viết Cường

Ông nhấn mạnh, giữ được người tài hay không không phải chỉ là vấn đề với DN Start-up mà tất cả DN đều khó khăn trong việc này. Tuy nhiên, DN Start-up sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì tiền ít hơn. Các DN lớn có vốn lớn, lợi nhuận doanh thu có rồi nên sẽ đỡ căng thẳng hơn. Nhưng theo TS Lê Thống Nhất, giữ người bằng tiền là sai lầm.

“Nếu tôi là một Start-up, tôi đang ít tiền và giả sử có một người tài thách thức tiền lương với tôi và muốn ra đi, tôi sẽ bảo mời bạn đi, tôi không thể nào có đủ tiền để trả cho bạn, và như vậy bạn chưa đạt chữ tình với tôi”, TS Thống Nhất chia sẻ.

Ông cũng dẫn chứng, rằng 13 người sáng lập FPT đến với nhau bằng tình, thậm chí thời điểm khởi nghiệp chưa chắc họ đã quá tài mà trong công việc Start-up đó họ mới trở nên tài.

“Nếu tôi là Start-up, tôi cũng rất mong muốn người tài về với tôi nhưng nếu vì đồng lương thì mời bạn đi. Tôi vẫn thường nói với những người mới, đến với tôi bây giờ có thể các bạn chưa có tiền nhưng sau 1 năm có thể bạn sẽ giàu có. Tôi chỉ nghèo trong hôm nay thôi, hoặc 1 tháng, 1 năm nhưng tôi luôn có niềm tin rằng sẽ mang lại giàu có cho bạn”, ông Nhất bổ sung thêm dẫn chứng cho quan điểm giữ người tài không phải bằng tiền của mình.

Bởi ông Nhất hay nói với nhân viên của mình rằng, ông không thể cho họ một căn hộ cao cấp bằng cách trả vài chục triệu đồng một tháng.

Ông Nhất nói: “Ví dụ là 30 triệu đi, thì các bạn tính biết bao giờ mới mua được một căn hộ cao cấp vài tỉ đồng. Nhưng bạn có thể mua được căn hộ đó chỉ trong thời gian rất ngắn nếu như giá trị của sản phẩm công ty tăng lên, chỉ có giá trị của công ty, của sản phẩm mới tăng được hàng trăm lần còn giá trị con người khó tăng được vài lần. Vậy bạn ở lại với tôi để chúng ta cùng làm sản phẩm Big School này tăng giá trị hàng trăm lần, lúc ấy tôi chỉ cần tặng bạn 0,1 cổ phần bạn sẽ có được căn hộ cao cấp mà không cần phải dành dụm cả đời. Tôi không dám hứa là 6 tháng hay một năm nhưng rõ ràng thời điểm bạn có được căn hộ này sẽ lớn hơn nhiều”.

Chuyên gia kinh tế: ‘Bất động sản toàn đại gia nên không cần phải cứu họ’(VietQ.vn) - Bà Phạm Chi Lan cho rằng, những người đầu tư bất động sản (BĐS) đã từng lấy được rất nhiều tiền trên sự mất đất của hàng triệu người, nhất là nông dân. Vậy không có lí do gì để cứu họ cả.

TS Lê Thống Nhất cho biết thêm, hiện tại ở DN ông, ông không chú trọng giữ người bằng lương mà bằng cơ hội. Ông luôn có một quỹ cổ phiếu. Ông dẫn chứng: “Ngay như hệ thống Thế Giới Di Động, thời đầu tiên là tặng cổ phiếu để nhân viên ăn tết. Nhân viên bảo cổ phiếu này không mua được gà, được thịt, lúc đó có một người bảo nếu anh chị cần gà, cần thịt thì tôi xin mua lại cổ phiếu này của các bạn, và anh đó đã trở thành giàu có”.

Tổng Giám đốc Big School nhấn mạnh, đối với các DN Start-up đừng nói đến chuyện tiền. Ông tiếp tục dẫn chứng ở Big School, ông hay hỏi nhân viên các bạn có thích một căn hộ 3,5 tỉ không, điều ấy không thể bằng lương mà có được, mà chỉ có một con đường là giá trị của Big School phải tăng hàng trăm lần và chúng ta quyết tâm sẽ làm được.

“Phải cho nhân viên của mình giàu bằng con đường không phải bằng lương. Vì  không ai trên đời này giàu bằng lương cả”, TS Lê Thống Nhất chia sẻ kinh nghiệm giữ người tài.

Giữ người tài bằng cơ hội

Cũng liên quan đến câu hỏi làm thế nào giữ được người tài ở các DN, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT, cho rằng đầu tiên ông chủ phải có tài. Định nghĩa về tài, chuyên gia Thái Hòa nêu quan điểm: “Tài của ông chủ đầu tiên phải nói đến là cơ hội mà ổng vạch ra. Bởi khi một người làm Start-up hay các đại gia của FPT họ phải vạch ra được một cơ hội lớn, cộng với giải pháp mà họ cung cấp, đáp ứng được cơ hội đó”.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT

“Lời khuyên cho các bạn Start-up đầu tiên đi chứng minh là phải chứng minh sự thay đổi này đang có một cơ hội cực kỳ khủng khiếp về thị trường. Chúng tôi đang hoàn toàn đáp ứng được việc này nếu các anh cùng đi chung với chúng tôi”, ông Hòa chia sẻ.

Ông dẫn chứng luôn trường hợp của mình, rằng thời gian đầu ông làm ở FPT, chỉ 5 năm sau đã chuyển qua VNPT. Mọi người hỏi “ô, sao anh lại bỏ anh Trương Gia Bình”, chẳng lẽ vì anh Bình kém tài ư? Không phải - ông Hòa đáp. Lí do ông đi vì môi trường mới trả lời được mẫu số chung của ông Hòa về cơ hội và giải pháp.

“Tôi đã ở FPT 5 năm, kết thúc một hợp đồng và đủ để chứng minh tất cả cơ hội mà một DN tư nhân có thể làm được. Tôi chuyển qua VNPT vì tôi thấy cơ hội rất khủng khiếp ở một DN nhà nước. Và ngày nay, nếu giải mã được VNPT thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ giải mã được EVN, PetroViệt Nam, Vinamilk,… cách làm chiến lược và các cơ hội của tập đoàn nhà nước nếu không muốn trở thành VinaShin thì sẽ phải thay đổi hết”, ông Hòa nói.

Và ông cho rằng đây là cơ hội lớn cho các chuyên gia nghiên cứu như ông.

“Tôi nhắc lại, từ Start-up nhỏ cho đến lớn, các bạn phải làm thật tốt công tác của một cặp phạm trù là cơ hội và giải pháp. Chính các bạn phải giải điều ấy trước khi đòi hỏi người tài phục vụ mục tiêu đó của các bạn”, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT chia sẻ về kinh nghiệm giữ người tài trong các DN, đặc biệt là DN Start-up. 

VIẾT CƯỜNG

Vụ mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank: Bên nào chịu trách nhiệm?(VietQ.vn) - Vụ khách hàng bị mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank cho dù không giao dịch, số tiền bị mất ai sẽ chịu đang được nhiều người quan tâm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang