TS. Nguyễn Trí Hiếu: Làm thế nào để huy động vàng trong dân?

author 15:08 14/07/2016

'Chúng ta nên học cách chấp nhận rủi ro, và tôi tin là ta hoàn toàn có thể quản lý được những rủi ro này...', TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng

Câu chuyện làm sao huy động vàng, tiền trong dân để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế đang là tâm điểm được chú ý trong thời điểm hiện tại với nhiều ý kiến trái chiều, người bảo được, người lại bảo không.

Đã hơn một lần đưa ý kiến ủng hộ việc huy động nguồn lực trong dân, mà cụ thể ở đây là vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính, ngân hàng đã có buổi trao đổi trực tiếp với PV về chủ đề này. 

Xin ông cho biết nhận định của mình về câu chuyện có nên huy động vàng trong dân không? Và đây có phải là thời điểm thích hợp để đặt ra vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ đây không còn là thời điểm để chúng ta bàn tới chuyện nên hay không nên huy động vàng, mà cần bàn tới câu chuyện làm thế nào để huy động được số vàng ấy trong dân.

Điều này cũng có nghĩa là, đây chính xác là thời điểm để chúng ta nên huy động vàng trong dân mà không cần đợi chờ gì nữa. Bởi người dân đang găm giữ một lượng vàng rất lớn (theo như Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết là 500 tấn vàng), nếu không thể mang ra phục vụ kinh doanh, sản xuất thì vô cùng lãng phí.

Vậy làm sao để có thể huy động vàng trong dân, thưa ông?

Việc thành lập sàn vàng quốc gia sẽ tạo môi trường thông thoáng, làm cho mọi giao dịch vàng chuyên nghiệp và minh bạch hơn, bởi một nửa trong số các giao dịch vàng hiện nay là hoạt động ngầm, không được kiểm soát. 

Để huy động vàng trong dân chúng ta cần có 2 công cụ là chứng chỉ vàng do Ngân hàng nhà nước phát hành và thành lập sàn vàng quốc gia với mục đích tạo một thị trường mua bán vàng minh bạch với đầy đủ thông tin về các giao dịch vàng trong và ngoài nước..

Chúng ta chỉ nên cấp quyền cho NHNN đứng ra huy động và cấp chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, NHNN có thể ủy thác cho một số NHTM huy động và lưu giữ hộ. Bước này sẽ tạo ra một hệ thống chân rết cho NHNN làm công việc huy động vàng.

Khi thành lập sàn vàng nhất thiết chúng ta cũng phải có máy móc, thiết bị đầy đủ, chuẩn xác để phục vụ cho hoạt động này. Những chi phí này tất nhiên là nhà nước phải bỏ ra để có được một sàn giao dịch chuyên nghiệp và chuẩn mực. Tuy nhiên, những đầu tư ban đầu này chắc chắn sẽ được đền đáp ở lợi ích về sau.

Còn lo lắng về những rủi ro mà nhà nước sẽ gặp phải khi giá vàng biến động thì sao, thưa ông?

Đồng ý là giá vàng sẽ biến động và dĩ nhiên sẽ có những rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận điều này, bởi đó là quy luật của thị trường, là nguyên nhân khách quan. Nó cũng tương tự như rui ro ngoại hối, khi chính phủ đi vay nước ngoài bằng ngoại tệ. Tỉ giá luôn biến động và khi chính phủ phải trả nợ bằng ngoại tệ, có thể chính phủ phải mua ngoại tệ với giá cao hơn lúc vay. 

Chúng ta nên học cách chấp nhận rủi ro, và tôi tin là ta hoàn toàn có thể quản lý được những rủi ro này, bởi sẽ có cơ chế quản lý rủi ro. 

Rủi ro ở đây được kể tới là sự biến động của giá vàng. Ví dụ: Nhà nước huy động được 100 tấn vàng ở thời điểm hiện tại, sau 6 tháng giá có biến đổi tăng lên 10-20% trong trường hợp xấu nhất.

Và cùng thời điểm này là đến ngày đáo hạn, người dân đến rút vàng, thì lúc đó nhà nước có thể phải mua vàng ngoài thị trường để bù vào mức giá biến động với giá hiện tại cao hơn nhiều để trả lại cho người dân. Đây chính là rủi ro của thị trường. 

Tuy nhiên, chúng ta có thể quản lý được rủi ro này bằng cách dùng số vàng huy động được cho vay thế chấp ở cùng một thời hạn như nhau. Nghĩa là số vàng mình huy động được, cũng sẽ được trả lại, được sinh lời. Quan trọng là hai hoạt động vay và cho vay này khớp nhau về thời hạn. Như thế sẽ giảm thiểu được rủi ro.  

Ngoài ra, cũng có những công cụ phái sinh để bảo hiểm giá vàng, chẳng hạn như hợp đồng mua vàng thời hạn, tương tự như hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn để giảm thiểu rủi ro do biến động về giá.

Theo ông thì làm sao có thể làm cho người dân mang vàng ra gửi chỉ để đổi lấy một tờ chứng chỉ?

Để làm được việc này, chúng ta đừng coi huy động vàng là giữ hộ cho người dân. Bởi người dân gửi vàng là hy vọng vào lãi suất, được trả lãi thì họ mới hào hứng gửi. 

Cùng với đó chúng ta cần có một chuẩn trong phát hành chứng chỉ vàng. Tôi xin nhấn manh là chứng chỉ vàng chỉ có NHNN mới có quyền phát hành, và nó phải có tính thanh khoản cao.

Có nghĩa là bản thân chứng chỉ vàng này có thể chuyển nhượng, có thể giao dịch cầm cố, thế chấp, mua bán một cách thuận lợi.

Cùng với đó, NHNN phải bảo đảm cho người gửi vàng là đến hạn người gửi sẽ nhận được số vàng đã ký thác hoặc trả bằng một số tiền đồng tương đương tính theo giá vàng trên thị trường tự do vào thời điểm đó.

Như vậy người dân mới tin tưởng để gửi vàng đổi lấy chứng chỉ vàng.

Còn lo lắng về chất lượng không đồng đều của các loại vàng đang lưu hành trong dân thì phải giải quyết thế nào thưa ông?

Đúng là có khó khăn trong việc chuẩn hóa vàng đấy. Tuy đã có một con số khái lược về lượng vàng đang lưu hành trong dân, nhưng con số này lại không chỉ ra được là chính xác có bao nhiêu là vàng nguyên chất, bao nhiêu là vàng nữ trang. Mà chỉ có vàng nguyên chất mới có thể dùng để huy động.

Vàng dân đang giữ thì gồm có nhiều loại vàng. Rõ ràng đây đúng là một trở ngại cho việc huy động vàng, chuẩn hóa vàng. Vì thế, khi huy động cần chú ý chỉ huy động những loại vàng đạt được một chuẩn nhất định.  Và vàng phải đạt được chuẩn mực đó thì mới được thu giữ. Khi đến kỳ hạn mà người dân muốn rút ra thì cũng phải trả lại đúng loại vàng có chất lượng tương tự. 

Việc chuẩn hóa này vô cùng quan trọng, bởi nó còn liên quan tới giá trị của chứng chỉ vàng phát hành khi người dân đem gửi vàng. Chúng ta cần thực hiện quá trình này một cách bài bản và theo đúng chuẩn mực thì mới tránh được những rắc rối về sau.

Xin cảm ơn ông!

Theo DĐĐT

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang