TS. Phan Đức Hiếu: CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp

author 08:47 17/10/2019

(VietQ.vn) - CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp nhưng nó có thể tự nhiên đào thải doanh nghiệp. Bởi vậy việc nhận thức, thực thi, ứng dụng 4.0 vào trong doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) về những yếu tố đang và sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp trong giai đoạn mới – giai đoạn CMCN 4.0, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định trước tiên cần phải hiểu rõ ràng: Thế nào là CMCN 4.0.

“Chúng ta không nên hiểu CMCN 4.0 quá phức tạp, khi sự phát triển của khoa học công nghệ và kĩ thuật đến mức vượt khoảng cách xa so với trước đây khiến mọi ý tưởng của con người gần như có thể thực hiện được, mà trước đây khi chưa có CMCN 4.0 sẽ rất khó để làm”, ông Hiếu nói.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống theo hướng gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và làm cho sản xuất linh hoạt hơn. Ví dụ trước đây khi muốn sản xuất một sản phẩm mới, chúng ta mất rất nhiều năm qua các khâu ra ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm trên thực tế, sau đó sáng tạo. Thế nhưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, những thử nghiệm trên máy tính diễn ra trong thời gian rất ngắn, thậm chí tính bằng ngày, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm mới triển khai sử dụng được ngay. 

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). 

Cùng với đó, CMCN 4.0 có thể tạo ra những hoạt động và mô hình kinh doanh mới (Uber, Grab, Be…) và nhiều mô hình khác, sẽ có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực.

Xét về mặt tích cực, tôi cho rằng đây là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp làm gia tăng giá trị hiện tại cũng như đưa vào chuỗi giá trị gia tăng mới. 

Nhưng thách thức cũng rất lớn, nếu chúng ta không thay đổi lập tức những đối thủ cạnh tranh với mô hình kinh doanh mới, cách kinh doanh hiệu quả hơn có thể gây áp lực, thậm chí đào thải doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, sự phát triển khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin là những yếu tố chúng ta buộc phải cân nhắc.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo quan điểm của tôi, đôi khi nền sản xuất vật chất không thể bị thay thế. Ví dụ như bán hàng online, đấy là phương thức kinh doanh, còn lại chúng ta vẫn phải bán những sản phẩm với chất lượng tốt. Như vậy thứ thay đổi ở đây là cách thức, còn lại sản phẩm – hay còn gọi là nền sản xuất vật chất sẽ không bị thay thế, nghĩa là chúng ta chỉ đa dạng hơn về cách thức kinh doanh.

Nhìn nhận một cách rất thực tế, chúng ta phải tránh sự lí thuyết, CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp nhưng nó có thể tự nhiên đào thải doanh nghiệp. Bởi vậy việc nhận thức, thực thi, ứng dụng 4.0 vào trong doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đang yếu ở khâu này. 

Một cuộc khảo sát mới đây của công ty BWC cho thấy, chỉ có khoảng 16-17% doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về tác động của CMCN 4.0, còn lại là hiểu biết mơ hồ hoặc chưa biết. Vậy trong 16-17% đó, quá trình từ khi họ hiểu biết đến khi thực thi có lẽ chỉ được 1%. Yếu tố khó khăn nhất hiện nay là “thực thi trên thực tế”. Nhìn vào thực tế xã hội chúng tôi nhận thấy, vẫn còn rất nhiều thứ để cho thấy “CMCN 4.0 vẫn ở trên trời”. 

“Ngày hôm qua khi tôi đi xe bus, vẫn 2 người (1 lái xe, một phụ xe) thu tiền bằng giấy, đi trên xa lộ việc trả tiền phí bằng điện tử gần như không phổ biến…”. 

Do đó, ông Hiếu nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc nhận thức và triển khai thực thi cả cấp chính quyền lẫn doanh nghiệp”.

Tọa đàm: Doanh nhân và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Sáng nay 13/10, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) phối hợp cùng Invest TV cùng các chuyên gia và nhà quản lý tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang