Doanh nghiệp phải tự trả tiền xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường

author 06:47 21/09/2021

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tự chịu chi phí xử lý rác thải của các sản phẩm từ những khâu đầu tiên cho đến các bước cuối cùng.

Vừa qua, toạ đàm trực tuyến về tính cấp thiết trong việc đưa Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) vào thực hiện ở Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh GreenHub và nhóm nghiên cứu e-Policy. 

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất) trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, tuân theo nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền" (Polluter Pay Principle - PPP).

 Từ năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tự chịu chi phí xử lý rác thải. Ảnh minh hoạ

Theo Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, 6 lĩnh vực đầu tiên thực hiện EPR là bao bì, thiết bị điện, điện tử, săm lốp, ắc quy - pin, phương tiện giao thông. Các sản phẩm bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp thực hiện từ ngày 1/1/2024. Sản phẩn điện, điện tử áp dụng từ ngày 1/1/2025 và phương tiện giao thông thực hiện từ 1/1/2027.

Doanh nghiệp có 3 lựa chọn: tự tái chế, thuê đơn vị tái chế hoặc ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện tái chế. Phương án khác là đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, ngân sách đó dùng để tái chế rác thải từ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.

Theo đại diện Liên minh Không rác Việt Nam, mục tiêu của EPR là nhằm tạo ra những khuyến khích tài chính đủ lớn để các nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm hướng tới giảm thiểu chất thải hoặc chuyển từ bao bì khó tái chế sang bao bì có giá trị tái chế cao. Nếu chính sách EPR được thiết kế tốt, có hiệu quả cao, Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là ô nhiễm nhựa hiện đang rất nghiêm trọng.

Trên thực tế, theo thống kê, ít nhất 80% chi phí vận hành hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Khi quy định này được thực thi, nhà sản xuất không muốn chi trả EPR nhiều thì thay đổi thiết kế, dùng bao bì có khả năng tái chế cao hoặc chuyển sang kênh phân phối bao bì tái sử dụng nhiều lần.

Trước thực trạng trên, Liên minh Không rác Việt Nam, GreenHub đề xuất tất cả các doanh nghiệp có sản phẩm bao bì đều phải thực hiện trách nhiệm EPR bất kể chủng loại, quy mô. Kèm theo đó là danh mục các sản phẩm, bao bì cần đóng góp tài chính gồm tất cả như túi, bao gói nhỏ, sản phẩm sử dụng một lần, bao bì mỹ phẩm. 

Trả lời báo chí, ông Hoàng Đức vượng, Chủ tịch chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho biết, nếu quản lý tốt EPR thì môi trường sẽ thay đổi hoàn toàn trong những năm tới. Việt Nam sẽ hình thành ngành công nghiệp tái chế bài bản, có kiểm soát môi trường. Các doanh nghiệp sẽ không phải nhập khẩu hoặc nhập khẩu ít hơn phế liệu từ các nước khác, tận dụng được nguồn rác thải rắn trong nước để sản xuất.

Dựa trên kết quả báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố năm 2020 cho thấy lượng chất thải rắn tăng dần trong trong các năm. Năm 2011, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 44.400 tấn/ngày. Năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và TP HCM phát sinh trên 6.000 tấn/ngày). 

Liên quan đến vấn đề rác thải, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường với 96,68% tán thành. Con số không tuyệt đối chứng tỏ vẫn còn có những băn khoăn, nhưng về cơ bản sự đồng thuận đã chứng minh cần phải có những điều chỉnh sớm nhất để môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp.

Theo đó, điều 3 Hiến pháp 2013 nêu: "Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường". Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua đã cụ thể hoá một phần nghĩa vụ ấy bằng một điều khoản được cho là có tính “cách mạng” nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của người dân.

Tại khoản 5 điều 79: “Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý”.

Nói một cách dễ hiểu là người dân sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền. Khi bị đánh vào túi tiền, người dân tự khắc sẽ phải cân nhắc về việc thoải mái xả ra môi trường.

Và tất nhiên, không loại trừ khi có Thông tư hướng dẫn, hành vi không đóng tiền sẽ bị xử lý hành chính ở mức độ cao hơn nhiều mức phải đóng tiền.

Cũng như nhiều quy định khác khi ra đời, sẽ lại có những lo ngại. Rằng, nếu bắt dân đóng tiền thì nguy cơ bùng nổ “rác tặc”. Nghĩa là sẽ có người dân sẵn sàng “vứt rác sang nhà người khác” để trốn tránh nghĩa vụ; hoặc việc hàng ngày cân rác sẽ thực hiện thế nào? Lực lượng nào giám sát…

Luật ra đời nhằm điều chỉnh, tác động, làm cho hành vi, xử sự của một chủ thể thao tác, vận hành theo một chiều hướng nhất định. Những núi rác, những “cuộc khủng hoảng rác” có phần từ hành vi, suy nghĩ việc xử lý rác không phải là chuyện của mình. Điều chỉnh hành vi của mỗi người dân thì những e ngại, vướng mắc phát sinh sẽ được xử lý.

Xả rác phải đóng tiền không phải là câu chuyện thêm một loại phí trên vai người dân mà chính là cụ thể hoá trách nhiệm, nghĩa vụ của dân đối với chính môi trường mà mình đang sống.

Điều 79 thu phí rác thải theo cân phải thực hiện chậm nhất vào cuối năm 2024, nhưng từ bây giờ, cần sẵn sàng tinh thần, hãy đóng tiền, để không còn bị rác “tấn công”.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang