Tướng Công an nói gì về việc 'tồn đọng' án tử

author 15:29 09/06/2015

Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đã lý giải trước thông tin cho rằng từ khi áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, số người bị kết án chưa được thi hành tồn đọng lớn.

- Theo nhiều Đại biểu Quốc hội thông tin tại các phiên thảo luận, việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc rất khó khăn. Phải chăng do cả nước chỉ có 5 nhà thi hành án, thưa ông?

+ Về cơ bản, không có khó khăn. Tuy cả nước chỉ có 5 nhà thi hành án nhưng vẫn đủ để thực hiện. Vấn đề ở chỗ việc điều chuyển các bị án từ trại giam đến nơi thi hành án xa quá. Do vậy việc điều chuyển gây ra nhiều chi phí tốn kém.

- Mục tiêu ban đầu của việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, bên cạnh khía cạnh nhân đạo còn để giảm thiểu chi phí, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, việc này còn tốn kém hơn cả xử bắn?

+ Tôi chưa so sánh, cũng có thể tốn hơn, nhưng luật đã ban hành phải thực hiện, không có cách nào khác, trừ khi Quốc hội lại thay đổi luật.

- Cũng có thông tin cho rằng, từ khi áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, số người bị kết án chưa được thi hành tồn đọng lớn, gây nhiều hệ lụy phức tạp?

+ Lý do cơ bản nhất khiến số bị án tồn đọng lớn do việc thi hành án tử hình liên quan đến nhiều khâu, nhiều vấn đề mà thủ tục chủ yếu phải do tòa án lo chứ không phải cơ quan thi hành án. Không phải tòa tuyên phạt tử hình là thực hiện được ngay mà còn phải qua rất nhiều khâu, còn phải chờ xem có kháng án, kháng nghị không.

- Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp về Luật tạm giam tạm giữ có yêu cầu Bộ Công an sớm nghiên cứu sử dụng xe thi hành án tử hình lưu động thay vì đầu tư những trung tâm thi hành án tập trung để giảm tốn kém. Việc này được tiến hành ra sao thưa ông?

+ Chúng tôi đang nghiên cứu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phương án khác là thành lập cả một khu vực giam giữ bị án tử hình tập trung ở một số vùng để khi thi hành đỡ phải đưa phạm nhân đi lại tốn kém. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc tập trung bị án tử hình tại một trại khác với việc để phân bố tại một số trại được giam án tử hình như hiện nay. Sắp tới nếu phương án này được chấp nhận, có thể sẽ xây dựng một số khu trại ở các vùng miền, khi có án tử hình sẽ giam giữ tập trung ở đó để lúc xét xử, thi hành án thuận tiện hơn.

+ Nhiều người cho rằng, từ khi một người bị kết án tử hình đến khi thi hành án thời gian kéo dài rất lâu, có khi tới 3 – 4 năm, gây áp lực lớn với các cơ quan giam giữ, quản lý. Điều này có đúng không thưa ông?

- Cũng còn tùy từng vụ, không phải vụ nào cũng thế. Việc này liên quan đến rất nhiều thủ tục phải thực hiện, nhưng cũng có vụ làm rất nhanh. Đúng là với chúng tối, áp lực giam giữ tử tù rất lớn. Thông thường, người bị kết án tử dễ xảy ra chuyện nọ chuyện kia, hành hung cũng có, vi phạm các quy định nhà tù cũng có, thậm chí tự tử cũng có…

Việc đưa vào quản lý tập trung các đối tượng này thay vì duy trì như hiện nay, như tôi nói, phương án nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng nếu quản lý được tập trung chắc chắn sẽ được điều kiện đảm bảo tốt hơn.

Cơ quan giam giữ có chờ đợi việc sửa Bộ luật hình sự tới đây sẽ giảm được số án tử hình phải thi hành không thưa ông?

Tất nhiên, khi sửa được Bộ luật, giảm được án tử hình cũng sẽ giảm được áp lực của các lực lượng thực thi. Ngoài việc bỏ án tử hình với những nhóm tội thực tế không tuyên phạt án này thì khả năng giảm lớn nhất là nhóm tội về ma túy. Xu hướng chung của thế giới là số án tử hình ngày càng giảm đi và mình cũng cố gắng giảm dần loại án này. Tất nhiên trong hệ thống Bộ luật của mình, một số tội nghiêm trọng vẫn phải tiếp tục duy trì án tử hình để đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung.

Cảm ơn ông.

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang