Bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam: Những hạn chế cơ bản và giải pháp khắc phục

author 06:23 17/08/2021

(VietQ.vn) - Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi mua bán, giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, hình thức này hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Bùng nổ thương mại điện tử và những hạn chế cần khắc phục

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho TMĐT. Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn lại thông tin trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người). Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để có được những con số trên, Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên điện thoại thông minh (smartphone) nhiều. Trong tăng trưởng của thị trường TMĐT thời gian qua còn có đóng góp rất lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Hiện nay, các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam cũng đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối với cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài thời gian gần đây cũng phát sinh dưới nhiều hình thức, tranh chấp với đối tác trong TMĐT ngày một tăng lên.

Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh một cách chặt chẽ... Những thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng là vấn đề đáng lo ngại. Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, TMĐT đang cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa 

Những giải pháp cơ bản

Thanh toán kỹ thuật số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử cũng sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các cửa hàng.

Các điểm kinh doanh offline cũng nhận thức được xu hướng này và ngày càng tỏ ra "thân thiện" hơn với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số. Dịch vụ hậu cần ngày một trở nên quan trọng hơn khi người tiêu dùng mong đợi nhiều về chất lượng giao hàng. Nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng có sự gia tăng đáng kể là một minh chứng.

Do vậy, các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm. Để hỗ trợ các nhà bán hàng và làm hài lòng hơn người tiêu dùng, các sàn lớn đã và đang tập trung đầu tư mạnh cho logistics.

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh có doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng.

Hiện nay, dư luận xã hội đã có rất đông ý kiến đồng tình với quy định các sàn TMĐT phải liên đới chịu trách nhiệm về hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh như bán hàng lậu, hàng giả, bán hàng không xuất hóa đơn chứng từ, giải quyết không đến nơi đến chốn phản ánh của người tiêu dùng, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các gian hàng thuê sàn TMĐT để kinh doanh và thực hiện các giao dịch hàng hóa khác.

Đối với vấn đề doanh thu và nộp ngân sách, trong điều kiện hiện nay, ngân sách còn thất thu lớn ở lĩnh vực TMĐT. Mặc dù quy định các sàn cho thuê kinh doanh chịu trách nhiệm thu thay cơ quan thuế của các tổ chức và cá nhân thuê sàn để hoạt động còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, tuy nhiên, xét một cách tổng thể, đây vẫn chỉ là giải pháp mang tính tình thế trong khi chưa tìm được những phương pháp khoa học hơn, hiệu quả hơn. Bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh bán hàng hiện nay không chỉ thông qua các sàn TMĐT mà còn qua nhiều hình thức khác như bán qua Zalo, Facebook, điện thoại...

Chính vì vậy, các cơ quan Nhà nước mà cụ thể là Tổng cục Thuế cần quan tâm để có những hình thức quản lý phương thức bán hàng thông qua các mạng xã hội đang diễn ra trên thị trường rất sôi nổi và chứa đựng doanh số không hề nhỏ. Không chỉ ở các thành phố lớn hay trung tâm kinh tế, hình thức bán hàng qua mạng còn diễn ra thường xuyên ở các địa phương. Chính vì vậy chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng như công an kinh tế, quản lý thị trường, thuế vụ… để quản lý chặt chẽ các hình thức bán hàng tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần tổ chức công khai doanh thu bán hàng và thuế theo định kỳ của các pháp nhân kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng, xuất nhập hàng hóa có hóa đơn chứng từ theo quy định. Cần phải kiên quyết không để xảy ra những vi phạm lớn và thường xuyên ở cơ sở.

Các cơ quan báo chí cũng cần thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc thông tin tình hình kinh doanh và quản lý của phương thức bán hàng này ở các địa phương. Kịp thời biểu dương những đơn vị làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật, đồng thời phát hiện qua dư luận và phản ánh để phê phán hoặc kiến nghị xử lý với những tổ chức và cá nhân vi phạm.

Nhà nước và chính quyền các địa phương cần tạo ra môi trường kinh doanh mạng một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, các chính sách ưu đãi để phát triển TMĐT nhanh và vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đầu vào của thương mại trực tiếp và TMĐT trước hết là quỹ hàng hóa được sản xuất trong nước. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm bớt hành vi bán hàng lậu, hàng giả trên các trang TMĐT. Đồng thời, cần thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của nhà nước phát động nhiều năm nay.

Làm tốt những vấn đề trên chính là góp phần vào sự phát triển và tạo tương lai tươi sáng cho hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy sản xuất và lưu thông trong nước phát triển hiệu quả, lành mạnh và đúng định hướng phát triển kinh tế thương mại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang