Liên kết giữa logistics và thương mại điện tử tạo động lực thúc đẩy kinh tế

author 06:19 15/08/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay ngành logistics đã dần chuyển dịch, khi có đến trên 50% hợp đồng phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, đi theo sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp nhiều khó khăn, trong đó chi phí logistics và chi phí nguyên liệu gia tăng nên phải cố gắng chống chọi, duy trì hoạt động sản xuất qua giai đoạn này. Đặc biệt, chi phí logistics là một yếu tố cấu thành quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Hiện tác động của dịch Covid-19 gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ nên các chuyến tàu và khả năng luân chuyển bị hạn chế. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm chỗ trên tàu cũng như khan hiếm về phương tiện, đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Ở trong nước, việc áp dụng các biện pháp chống dịch hiện nay là ưu tiên hàng đầu cùng những yêu cầu về xét nghiệm đối với các lái xe cũng khá tốn kém, khiến chi phí logistics tăng tác động bất lợi cho doanh nghiệp.

Liên kết giữa logistics và thương mại điện tử tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Ảnh minh họa. 

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mặc dù chi phí logistics tại Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể so với trước đó, nhưng vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, logistics hiện chiếm khoảng 16,8% - 17% trong chi phí của doanh nghiệp, cao hơn so với Thái Lan (15%), Singapore (8,5%) và chiếm tới 50% chi phí vận tải.

Giới chuyên gia cho rằng, giảm chi phí logistics trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết nhưng cũng là vấn đề khó đối với đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi vậy, số hóa là yếu tố cần thiết đối với không chỉ doanh nghiệp ngành logistics nếu doanh nghiệp không muốn tụt hậu.

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific cho biết, hiện nay ngành logistics đã dần chuyển dịch, khi có đến trên 50% hợp đồng phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, đi theo sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức vì nó đặt ra những bài toán như tốc độ đổi mới công nghệ, chi phí vốn, chi phí đầu tư các trung tâm logistics phát triển cùng với các trung tâm thương mại điện tử.

“Các trung tâm logistics và thương mại điện tử đang nổi lên đều đòi hỏi các vị trí đất đẹp để hình thành hạ tầng thiết yếu cho ngành. Nếu các doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử liên kết được với nhau, có những kiến nghị với Chính phủ để tiếp cận các quy hoạch sớm nhất và đồng bộ từ ban đầu, logistics Việt Nam có thể đi nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài vì chúng ta đang có thế mạnh trong khâu thực hiện thủ tục pháp lý, các thủ tục để tiếp cận với đất đai cùng các nguồn tài nguyên”, bà Huệ nêu giải pháp.

Có thể nói, thương mại điện tử giữ vai trò tăng cường sức bật cho logistics, trong khi logistics là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử. Sự thay đổi về phương thức và thay đổi của thương mại điện tử cả trong nước và trên thế giới sẽ có tác động mạnh, thúc đẩy ngành logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; đồng thời cũng gây áp lực lớn tới chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ, độ kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics; phải thay đổi để thích nghi và phát triển hoặc chấp nhận bị cạnh tranh và thôn tính…

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang