"Tút tát" hàng thùng thành hàng shop "xịn"

author 17:38 31/01/2013

(VietQ.vn) - Thường xuyên đến các chợ hàng thùng để “bao kiện”, chọn hàng “nước đầu”, chỉ sau vài công đoạn nhỏ, những món hàng thùng giá bèo bỗng trở nên lung linh khi được treo ở các shop. Giá thành của chúng cũng được đội lên mức tiền triệu. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng dễ dàng “sập bẫy”.

“Giẻ lau” thành hàng… mới

Đến chợ đầu mối hàng thùng Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội), khi PV Chất lượng Việt Nam vừa ngỏ ý thành lập một nhóm chục người để mở kiện lấy hàng “nước đầu”, chị bán hàng tên Nguyệt nhanh chóng xua tay: “Hàng thì có rất nhiều nhưng không thể mở kiện cho các em nhặt được. Để “bao kiện” (được ưu tiên lựa chọn những sản phẩm theo ý muốn trong kiện hàng – PV), ngoài việc lập nhóm đông, các em tối thiểu phải lấy được cho chị mấy chục chiếc trở lên. Người mở kiện mà tù mù rồi mua được vài ba cái thì chết chị”.

Theo chị Nguyệt, quần áo đổ đống hoặc treo ở các quầy hàng trong chợ này đa phần đều là hàng “nước hai” được chủ hàng xé ra bán lẻ. Hàng “nước đầu” đẹp hơn, ít lỗi, nhiều chiếc quần áo là hàng hiệu mới tinh và còn nguyên tem mác. Tuy nhiên, với những người khách bình thường, kinh nghiệm về kiểu dáng, chất vải còn ít, mua để mặc thì đa số chỉ dùng “nước hai”. Khi chúng tôi tò mò hỏi: “Thế những ai mới đủ tiêu chuẩn để mở kiện và lấy nước đầu?”, chị đáp: “Nước đầu” chị chỉ bán cho những chủ cửa hàng quần áo thời trang hoặc cửa hàng thùng ở mặt phố thôi”.

Chủ cửa hàng thời trang thường chọn hàng thùng đẹp để trộn hàng vào shop bán giá cao
Chủ hiệu thời trang thường chọn hàng thùng đẹp để trộn hàng vào shop bán giá cao

Như nhìn thấy ánh mắt thất vọng của chúng tôi về việc chỉ được mua “nước hai”, chị an ủi: “Trong số đó vẫn còn rất nhiều cái đẹp mà em. Căn bản là sở thích và thẩm mỹ mỗi người mỗi khác. Ví dụ, nếu em nhìn chủ shop nhặt “nước đầu”, có những cái họ nhặt mà các em không thích hoặc chẳng hiểu tại sao họ lại nhặt loại đó. Thế nên dù là hàng “nước hai” vẫn còn rất nhiều cái đẹp và phù hợp để em lựa chọn”.

Cũng theo chị Nguyệt, hàng đóng vào từng kiện, bị nhồi nhét dồn ép nên khi mở kiện chúng trở nên nhàu nhĩ. “Có những bộ đồ khi mở kiện ra nhàu nhăn nhúm như chiếc giẻ lau. Các chủ shop nhìn quen rồi nên biết đâu là hàng đẹp, có thể bán được giá cao. Còn tầm như các em thì mở ra chẳng biết cái nào đẹp xấu để mà chọn đâu, vứt lung tung hết cả mà cuối cùng vẫn chẳng nhặt được thứ gì”, chị nói.

Chị còn tiết lộ thêm, những mặt hàng bán ở chợ chưa qua giặt là, tẩy trắng, ố nên trông còn thô, xấu. Sau khi mua về, các chủ cửa hàng thời trang sẽ mang đi giặt khô là hơi cho phẳng phiu rồi gắn mác vào. Qua vài công đoạn ấy, quần áo trông thẳng thớm, không còn mùi hôi, đẹp đẽ chẳng khác gì hàng mới 100%. Đặc biệt, hàng thùng có nhiều mẫu độc lạ nên khi trưng bày dưới ánh đèn điện sáng trưng thì hàng thùng qua “chế biến” có khi lại “ăn đứt” các hàng nguyên tem nguyên mác khác.

Theo một số người bán hàng thùng khác ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), khách bao kiện khi đã tân trang lại đám hàng “nước đầu” vừa mua về và đem bán ở shop thì giá có thể gấp đôi, gấp ba, thậm chí cả chục lần giá mua ban đầu. Họ trộn hàng thùng đã qua “mông má” vào các bộ đồ mới. Khách hàng không tinh ý là dễ dàng “sập bẫy” ngay.

Nguy cơ sập bẫy hàng thùng qua “mông má”

Chị Hương, chủ một sạp hàng khác ở chợ Đông Tác, cho biết một kiện hàng đông thường chỉ có 200 – 300 chiếc, hàng hè thì có kiện 500 hoặc 1.000 chiếc. Khách mua càng đông thì thời gian mở kiện mới càng được rút lại. Thông thường khi bán được 1/3 kiện cũ, vốn đã “hòm hòm” thì sẽ mở kiện mới. “Những ngày chị mở kiện, có khi khách xúm đông xúm đỏ vào mua. Người tiêu dùng cũng có, chủ các cửa hàng thời trang cũng có. Nhiều chủ shop quần áo là khách quen mấy năm của nhà chị”, chị Hương nói.

Đôi lần tới thăm các “mối quen”, chị Hương không khỏi giật mình khi những món đồ hàng thùng chỉ có giá vài chục đến vài trăm nghìn sau khi được “mông má” bỗng thành hàng mới, hàng độc. Họ bán cho khách với giá từ vài trăm đến cả triệu đồng. Khách hàng cứ “xâu đầu” vào mua. Hầu như chẳng ai đủ tinh ý để phát hiện ra đây là hàng “second hand” đã được “mông má” lại.

Sau vài công đoạn “mông má”, hàng thùng bán ở các cửa hàng thời trang với giá hàng triệu đồng

Chỉ vào một chiếc túi xách da xịn treo trong cửa hàng, chị nói: “Cái túi này chị chỉ bán 700.000 đồng nhưng chị tin chắc nếu nó có mặt ở các shop bán hàng da, sau khi được tân trang kỹ, nó có thể được bán với mức giá lên tới 7 triệu đồng”.

Từng kinh qua công việc bán quần áo online gần 2 năm, Thu Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tiết lộ về “bí kíp” buôn bán của những chủ hàng ít vốn: “Họ sẽ liên kết với các chủ buôn hàng thùng để đến chọn lựa đồ, chụp ảnh rồi đăng tải lên mạng là hàng mới 98 hoặc 99%. Phía dưới mỗi bức ảnh sẽ đề mức giá khá cao. Nếu khách ưng ý mua, họ sẽ điện thoại cho các chủ hàng thùng để chuyển cho khách”.

Cũng bằng “mánh nhỏ” này, từ việc không có nhiều vốn, Hồng vẫn duy trì việc bán hàng quần áo thời trang online suốt thời gian khá dài. “Tôi làm ăn nhỏ lẻ mà còn kiếm được lãi cao, chứng tỏ các shop lớn mà đi nhặt hàng thùng về sửa sang, giặt khô là hơi, đơm cúc, sửa khóa, đóng mác lại rồi bán giá cao như hàng mới tinh thì chắc chắn là lãi “khủng” rồi”, Hồng nói.

Chăm chỉ tìm kiếm những món hàng thùng “nước đầu” rồi sửa sang lại đôi chút, nhiều chủ hàng thời trang đã “phù phép” hàng thùng với giá chỉ vài chục nghìn thành đồ tiền trăm tiền triệu. Do vậy, người tiêu dùng nên quan sát thật kỹ khi mua hàng ở các cửa hiệu thời trang, tránh việc mua hàng mới nhưng kết quả chỉ là những món đồ “second hand” đã được “mông má” lại.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang