Ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất rau quả

author 13:48 29/12/2014

(VietQ.vn) - Các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã họp bàn về việc áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất rau quả, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Dự án KOPIA Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức “Hội thảo Sản xuất Rau tại Việt Nam và Hàn Quốc”, nhằm giới thiệu một số giống rau và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo TS Lee Seong Hee - Giám đốc KOPIA Việt Nam cho biết các công nghệ, kỹ thuật giới thiệu tại Hội thảo là những công nghệ tiên tiến đã và đang được Hàn Quốc áp dụng trong thực tiễn sản xuất, có đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc cách mạng nông nghiệp tại đây. Ông hy vọng, các công nghệ và tiến bộ kỹ thuật giới thiệu tại hội thảo sẽ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại các nước thành viên của dự án KOPIA, góp phần đẩy mạnh phát triển tại các nước này.

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng rau quả

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng rau quả. Ảnh minh họa

Hội thảo đã giới thiệu nhiều giống rau mới do các nhà khoa học của Việt Nam nghiên cứu và chọn tạo; nhiều giống đã được nhà nước công nhận và đưa vào sản xuất, đặc biệt là các giống cà chua, dưa chuột, ớt cay. Nhiều giống rau của Hàn Quốc thuộc khuôn khổ dự án KOPIA được trồng thử nghiệm tại Việt Nam và cho kết quả tốt cũng được giới thiệu tại hội thảo, như các giống su hào, cải củ, bí ngồi, xà lách… 

 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã có nhiều bài trình bày về các công nghệ mới trong sản xuất  rau tại Việt Nam và Hàn Quốc: như kỹ thuật ghép, kỹ thuật thủy canh, kỹ thuật canh tác trong điều kiện có bảo vệ (nhà lưới, nhà kính, nhà vòm thấp…). 

Thông tin các đại biểu cung cấp tại hội thảo cũng cho thấy các tiến bộ về công nghệ sinh học cũng được ứng dụng ngày càng rộng, trong cả công tác chọn tạo giống và canh tác rau. Trong đó, nổi bật là sử dụng chỉ thị phân tử trong tạo các giống cây trồng kháng bệnh (cà chua kháng bệnh sương mai, bệnh xoăn vàng lá, bệnh héo xanh vi khuẩn... ); và ứng dụng nuôi cấy mô trong sản xuất cây giống (khoai tây…).

Theo TS. Nguyễn Văn Tạo – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhận định sản xuất rau tại Việt Nam đã tận dụng được công nghệ kỹ thuật cao trên thế giới; phần lớn sản xuất rau đã sử dụng hạt giống lai cho năng suất và chất lượng tốt. Tuy nhiên, các giống này phần lớn là giống nhập nội hoặc sản xuất bởi các công ty nước ngoài; trong khi, thị phần của giống rau trong nước lại rất hạn chế. Vì vậy, ngành cần có sự tham gia sâu hơn của các nhà khoa học và nhà quản lý. Trước mắt, cần cải tiến các giống rau và công nghệ sản xuất giống hiện tại, giành lại phần lớn thị trường mà các giống nhập nội và các giống của các công ty nước ngoài đang chiếm lĩnh.

Theo đó, phát triển mỗi đối tượng cây trồng cần có định hướng đúng đắn và chiến lược cụ thể, đáp ứng được yêu cầu của người sản xuất và thị trường, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất rau nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực chọn tạo giống và kỹ thuật sản xuất. Hướng đi bền vững của nông nghiệp phải vừa đem lại năng suất cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang