Ủy ban châu Âu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng

author 06:14 10/08/2024

(VietQ.vn) - Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 8/8/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Một số thông tin về vụ việc như sau: Ngày nhận hồ sơ yêu cầu là 24/6/2024; ngày ban hành thông báo khởi xướng 8/8/2024. Bên yêu cầu là Hiệp hội Thép châu Âu. Hàng hóa bị điều tra là thép cán nóng.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, một số hàng hóa được loại trừ: Thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày lớn hơn 10 mm và khổ rộng từ 600 mm trở lên; và thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75 mm trở lên nhưng không quá 10 mm và có khổ rộng từ 2.050 mm trở lên.

Giai đoạn điều tra bán phá giá: Từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/202 và giai đoạn điều tra thiệt hại: Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2024.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong thông báo khởi xướng, EC đã cung cấp chi tiết các nội dung liên quan tới bên yêu cầu, hàng hóa bị điều tra, cáo buộc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, cáo buộc về can thiệp giá nguyên liệu đầu vào, quy trình thủ tục điều tra và các thời hạn liên quan, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, hướng dẫn về các thủ tục tải và đăng tải tài liệu trên hệ thống điện tử TRON của EC.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ thương mại.

Ảnh minh họa

Mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia.

Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, nếu chỉ tính trong nhóm WTO thì thép cũng là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo WTO, từ năm 1995-2023, đã có 2.123 vụ kiện chỉ tính bán phá giá, chưa tính các vụ kiện phòng vệ thương mại khác như chống trợ cấp hay tự vệ. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, từ năm 2019 đến nay, tổng số vụ việc chống bán phá giá đối với thép chiếm gần 49% số vụ việc cho cả 30 năm đó.

Riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ.

"Rất khó có thể xác định số lượng phòng vệ thương mại của Việt Nam là đủ hay chưa đủ. Trong một bối cảnh nguy cơ nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành thép thì cao hơn hẳn so với ngành khác", bà Trang nhận định.

Khánh Mai 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang