Chuyển đổi số và vai trò của ‘người cầm lái’

author 06:46 06/11/2021

(VietQ.vn) - Nếu coi tổ chức là con thuyền thì người lãnh đạo chính là người cầm lái. Một lãnh đạo thiếu nhạy bén sẽ kéo cả doanh nghiệp rơi xuống vực sâu, một lãnh đạo giỏi sẽ giúp vực dậy cả doanh nghiệp đang khủng hoảng.

Thời gian qua, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đã được thể hiện một cách rõ nét trong nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với 3 trụ cột chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới tiên phong xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong đó, Chính phủ số là cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia có sứ mệnh dẫn dắt, phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Nếu coi tổ chức là con thuyền thì người lãnh đạo chính là người cầm lái. Ảnh minh họa.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu Việt Nam ban hành chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chiến lược nêu rõ: Định hướng mở là để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị cho xã hội.

Có thể nói, để phát triển được Chính phủ số còn nhiều thách thức và khó khăn nhưng khó không có nghĩa là chúng ta chùn bước. Để xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số thành công, cần xây dựng hạ tầng số với cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng và không thể thiếu hạ tầng nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc quan trọng nhất là kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Khi có hạ tầng thì con người vận hành, hay nói cách khác là nguồn nhân lực rất quan trọng. Bất cứ hệ thống nào cũng cần những con người nắm rõ hoạt động của hệ thống để vận hành, duy trì. Việt Nam cần đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và trang bị kỹ năng số cho người lao động để đáp ứng mọi yêu cầu công việc.

Về an toàn, an ninh mạng, đây cũng là thách thức lớn. Khi đã xây dựng được một hệ thống đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phục vụ cho Chính phủ số, chúng ta cần phải bảo vệ hệ thống đó tránh các cuộc xâm nhập và phá hoại bên trong và ngoài nước. Hiện nay, hầu hết máy tính đều có khả năng kết nối toàn cầu khiến cho việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin đặt ra cấp thiết. Chỉ khi bảo vệ được an toàn hệ thống mới triển khai được Chính phủ số bền vững.

Đặc biệt, tầm nhìn của người lãnh đạo cũng là khó khăn không nhỏ. Bởi nếu coi tổ chức là con thuyền thì người lãnh đạo chính là người cầm lái. Một lãnh đạo thiếu nhạy bén sẽ kéo cả doanh nghiệp rơi xuống vực sâu, một lãnh đạo giỏi sẽ giúp vực dậy cả doanh nghiệp đang khủng hoảng. Và Chính phủ số cũng vậy, cần người lãnh đạo không những có tầm nhìn, định hướng mà còn phải có sự quyết đoán và tư duy đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng là năng lực xã hội, hay nói cách khác là năng lực số của người dân. Khi Chính phủ đã xây dựng thành công một hệ thống dịch vụ công hoạt động trên nền tảng số, người dân cần phải có kiến thức để sử dụng hệ thống đó. Chẳng hạn, người dân phải biết cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để đăng ký giấy phép lái xe hay thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang