Chuyển đổi số là khâu đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

author 15:36 01/11/2021

(VietQ.vn) - Hàng loạt doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số thành công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Trong giai đoạn 4 năm, từ 2021 đến 2025, Chính phủ đã xác định quan điểm kinh tế số, chuyển đổi số là khâu đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực; từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng mới mà còn thể hiện ý chí khát vọng phát triển đất nước.

Theo đó, nhờ đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho chuyển đổi số gắn với tự động hóa dây chuyền sản xuất, mỗi ngày, Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam sản xuất 25.000 m2 tấm panel, nhưng số công nhân chỉ cần 5 đến 7 người. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chuyển đổi số đã giúp chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp và tự động hóa sản xuất, góp phần tăng trưởng năng suất lao động.

Ông Hoàng Văn Nam, Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Công ty TNHH Cách âm cách nhiệt Phương Nam cho biết, chuyển đổi số để đưa vào quy trình tác nghiệp online. Các dữ liệu của công ty đều được xử lý hợp lý thông minh. 

 Gắn chuyển đổi số với cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh minh hoạ

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt tối thiểu 10% và 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nhấn mạnh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có sức đề kháng tốt hơn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến tái cấu trúc lại lao động. 

Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ thay đổi hàng loạt các phương thức truyền thống, từ tiếp cận trực tiếp sang môi trường trực tuyến một cách công khai, tiết giảm chí phí; tạo hệ sinh thái xuyên suốt giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế năng động.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho hay, ví dụ như Mobile Money cho thanh toán số hiện chỉ thí điểm thôi nhưng mất đến 3 năm chưa cấp phép được. 

Tương tự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, mọi người phải xây dựng càng nhanh càng tốt cơ sở pháp lý dưới dạng luật và nghị định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan cũng nghiên cứu thử nghiệm chính sách để chúng ta thực hiện các nội dung về chuyển đổi số có hiệu quả nhất. 

Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hàng loạt các hoạt động điều hành, giao dịch kinh tế đã thích ứng với chuyển đổi số. Các bộ ngành cũng tích hợp dữ liệu ngành vào dữ liệu chung quốc gia và đây là những yếu tố thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Trong cùng diễn biến, trong quyết định 810 của Ngân hàng Nhà nước về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, dự kiến đến 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng thực hiện trên môi trường số, 50% người dân trưởng thành thanh toán điện tử hay 70% giao dịch thực hiện qua kênh số. Thế nhưng, để đạt được những con số này, một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là đòi hỏi trước tiên.

Định danh điện tử được coi là "cửa ngõ" chuyển đổi số cho ngành ngân hàng, giúp người dân sử dụng trực tuyến mọi dịch vụ ngân hàng, thế nhưng tới nay, hành lang pháp lý vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, về NHNN, chúng ta cần phải cho quy trình thực hiện tự động hoá việc cho vay, đặc biệt khoản vay cá nhân nhỏ lẻ thông qua big data. Thứ 2 là có quy trình cấp chữ ký điện tử cho người dân thông qua eKyc.

Trong khi đó, do chưa được kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân nên 100% các ngân hàng triển khai eKyc vẫn đều phải dành riêng nguồn lực để thiết lập bộ phận hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ dữ liệu thu thập bằng điện tử.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng giám đốc ABbank cho hay, chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và chia sẻ dữ liệu này với ngành ngân hàng, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền riêng tư người dùng.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel nhận định, người dân tránh đưa các hình ảnh cá nhân của mình lên mạng quá nhiều, sẽ bị lạm dụng trong một số trường hợp. Thứ hai là các hình chụp giấy tờ tùy thân cá nhân tuyệt đối không đưa lên mạng xã hội hoặc đưa lên các trang tin tưởng thì rủi ro có thể xảy ra. Cái này hoàn toàn không phải do công nghệ mà do sự bất cẩn. 

Theo đại diện NHNN, sắp tới cũng sẽ cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang