Vạn thọ đợi xuân về!

author 16:33 31/01/2022

(VietQ.vn) - Nếu Tết ở miền Bắc trưng hoa đào, miền Nam là hoa mai thì với người dân miền Trung quê tôi Tết phải có sắc vàng của cúc vạn thọ. Trên mỗi hiên nhà đều đặt hai chậu cúc vừa nở vàng óng khiến không gian rực rỡ màu nắng ấm áp. Người miền Trung quê tôi quan niệm rằng, sắc vàng của cúc vạn thọ chính là màu của ánh mặt trời, thể hiện khát khao cuộc sống sung túc cho năm mới.

Cuối năm ở dải đất dọc dài cát trắng miền Trung gió bấc mang hơi lạnh từ biển phả vào đất liền. Đây là thời khắc báo hiệu xuân về. Khoảng thời gian này, mỗi buổi chiều tà sau khi mặt trời lặn, những làn mây ửng hồng hắt lên nền trời xanh thẳm tạo thành những vệt cánh cung như vảy của đám cá biển bảy màu.

Cũng từ cánh rừng già phía Tây, từng đàn chim én liệng về, chao nghiêng. Đây là lúc người dân miền Trung dọn nhà đón Tết. Ngôi nhà ngói ba gian hắt lưng về phía cánh rừng già quanh năm chịu gió Lào, chịu giông, chịu bão được khoác lên màu áo mới trắng tinh của vôi ve.

Vạn thọ đợi xuân về!

Cận Tết trước hiên nhà gia đình nào, cũng trưng hai chậu cúc vạn thọ vàng ươm. Mạ tôi bảo, cúc vạn thọ biểu trưng cho sung túc, đoàn viên và may mắn. Người dân miền Trung tin rằng, sau một năm chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên, những đóa cúc vạn thọ tròn trịa, vàng ươm và thơm mùi đặc trưng sẽ giúp cuộc sống mỗi gia đình tươi sáng hơn. Người thân đi biển trở về sẽ đem theo những mẻ lưới đầy ăm ắp cá tôm.

Hiên nhà được coi là khoảng không gian thiêng liêng bởi đây là nơi chứng kiến những cuộc đoàn tụ rồi chia li. Tại khoảng không gian này, mạ ngóng đàn con trở về mỗi chiều cuối năm. Những người vợ ngóng chồng xa khơi bám biển về đất liền mỗi khi gió bấc cuối mùa thổi cuồn cuộn. Và cũng tại khoảng hiên nhà này, sau Tết là những cuộc chia ly đầy ắp nhớ thương của mạ tiễn các con rời quê lên thành phố học tập, sinh sống, cha ra khơi để vài tuần sau mang về cho mạ mẻ cá đầy khoang.

Với những đứa con xa quê như tôi, mỗi lúc về nhà chỉ cần đặt chân đến hiên nhà là thấy Tết. Năm nào trước ngày 23 tháng Chạp dù nghèo khó đến đâu mạ cũng đi chợ mua hai chậu cúc vạn thọ.

Mạ luôn bảo, có cúc vạn thọ nơi hiên nhà thì đoàn thuyền sẽ trở về đúng hẹn. Bởi sau nhiều tháng ngày lênh đênh trên biển, chỉ khi thấy từng đàn én liệng trên nền trời thì những đoàn thuyền biết đã đến lúc phải vào bờ để đón giao thừa. Và không chỉ với tôi mà chắc chắn với bất kì người con miền biển nào, dù có đi qua bao nẻo đường cát bụi cũng không đâu thân thương, ấm áp bằng khi bước chân trở về mái nhà xưa.

Có lẽ, dải đất miền Trung quá quen thuộc với hình ảnh những người phụ nữ như mạ tôi quanh năm ngồi hiên nhà ngóng trông. Ngóng trông những đoàn thuyền đánh cá mang theo không chỉ người thân mà cả kinh tế về cho gia đình. Ngóng những chiều cuối năm đàn con thoát ly đi làm ăn xa trở về đón giao thừa thiêng liêng.

Chính vì vậy mà hình ảnh mạ ngồi hiên nhà bên chậu cúc vạn thọ ngóng cha, ngóng anh và ngóng cả tôi nữa luôn khiến tôi đau đáu trong lòng. Vậy nên, cứ khi tháng Chạp vừa đến, tôi chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để được trở về nơi hiên nhà. Ở đó không chỉ có mạ tôi mà tất cả những phụ nữ miền Trung đều ngóng trông người thân trở về. Về nhà, tôi được hít hà mùi gió, vị biển và cả mùi cơm ngon mạ nấu.

Và thích thú hơn là ngày cuối cùng của năm cũ, cũng tại hiên nhà, nơi có chậu cúc vạn thọ cả nhà cùng quây quần gói bánh tét, bánh gai. Khi đó, chính tôi lại mong thời gian sao trôi chậm, thật chậm để tôi được sống trong khoảnh khắc mà tôi cảm nhận được những bông cúc vạn thọ bung từng cánh nhỏ, tỏa hương và khẽ nở nhẹ nhàng trước những thanh âm vui vẻ của gia đình.

Có đôi khi tôi thấy người ta phàn nàn về Tết nào là tốn kém, nào là ngoảnh đi ngoảnh lại đã lại Tết. Rồi thậm chí nhiều người sợ Tết và có tâm lý muốn bỏ Tết cổ truyền. Thế nhưng với tôi, Tết chính là khoảng thời gian được trở về.

Giữa những guồng quay hối hả của cuộc sống, rồi cơm áo gạo tiền đã kéo những người con miền Trung như tôi phải xa quê. Thậm chí, ở miền quê của tôi nhiều người còn buôn ba nơi xứ người ở những vùng trời nước Nhật, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc), thậm chí là tít tận châu Phi xa xôi. Chắc chắn họ cũng như tôi đều nhớ da diết miền quê gió Lào cát trắng của mình và mong ngóng đầu xuân được trở về bên mạ - trở về hiên nhà nơi những bông cúc vạn thọ bung cánh vàng ươm đợi xuân về. 

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang