Vào thủ phủ... rượu thuốc phiện

author 08:15 16/08/2012

Ban đầu là ngâm để uống, sau đó thì dùng để cho và tặng nhau làm quà. Một đồn mười, mười lại đồn trăm, từ những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học về tác dụng của rượu ngâm cây thuốc phiện… khiến khoảng 3 năm trở lại đây, loại rượu này rất được ưa chuộng trên thị trường.

Như ngọn lửa âm ỉ, vì lợi nhuận, vì thị hiếu của người tiêu dùng, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Tại các quán ăn, nhà hàng, khách quen vẫn có thể dễ dàng mua được loại rượu này. Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện vì thế còn vô cùng gian nan.

Tận mắt nơi “sản xuất”
 
Để tận mục sở thị, chúng tôi ngược núi tìm vào Nghĩa Lộ, Văn Chấn, địa bàn từng là xứ sở của rượu ngâm cây thuốc phiện. Dẫn đường cho tôi trong chuyến công tác này là một đồng nghiệp người Yên Bái, từng có nhiều năm lăn lộn ở mảnh đất phía Tây, từng là thủ phủ của cây thuốc phiện…
 
Vào tới Văn Chấn, khí hậu đã có sự thay đổi rõ rệt, không gian mát mẻ, tươi mới khác hoàn toàn với cái oi nồng, bức bối ở thành phố, anh bạn đi cùng tôi "bật mí": “Văn Chấn là một trong những địa bàn có địa hình, khí hậu thích hợp cho cây thuốc phiện sinh sống và phát triển. Ở Yên Bái, ngoài Văn Chấn còn có các huyện như Trạm Tấu và Mù Căng Chải, dân trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông, sinh sống ở những vùng núi cao hiểm trở, dốc dựng đứng với những thung lũng hẹp.
 
Hà Văn Chơ và Sùng A Cha cùng tang vật bị bắt giữ tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái
Hà Văn Chơ và Sùng A Cha cùng tang vật bị bắt giữ tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái
 
Dân bản thường đốt nương, làm rẫy trồng cây thuốc phiện… Cây thuốc đã gắn bó với tập quán canh tác và đời sống của đồng bào dân tộc Mông đến mức họ có câu: "Ở đâu có tổng quả sùi (cây sống qua mùa đông) thì ở đó có người Mông, Giàng cũng thả cây thuốc phiện xuống mặt đất cho người Mông”…
 
Mải vui câu chuyện, chúng tôi tấp vào một quán nhà sàn ven đường lúc nào không hay, theo lời giới thiệu của cậu bạn tôi thì đây là quán ăn khá nổi tiếng trong vùng. Chừng giữa trưa, quán đã khá đông khách, những món ăn mang đậm phong vị của người Thái được bày biện thơm lừng, mang đậm bản sắc dân tộc như món thịt nướng, món xôi bảy màu, dế và bọ xít rang…
 
Khi bàn tiệc được sắp xếp thịnh soạn, anh bạn tôi ghé tai một nhân viên phục vụ, ngỏ ý muốn thưởng thức một chút rượu 138. Ban đầu, nhân viên chối bay rằng nhà hàng chẳng có một bình rượu nào vì dạo này công an làm gắt. Nếu bị phát hiện không chừng sẽ bị bóc lịch… Anh bạn tôi nài nỉ, giọng tha thiết: “Anh có cô bạn ở Hà Nội lên chơi muốn thưởng thức chút phong vị núi rừng. Chú em giúp, anh sẽ trả công xứng đáng. Kiếm cho anh cái bình chất một chút, quả chưa khứa nhựa”.
 
Theo lời của anh bạn tôi thì công nghệ sản xuất rượu 138 (rượu ngâm cây thuốc phiện) trên thị trường hiện nay khá đơn giản. Thân cây thuốc phiện rửa sạch, một phần được đun lên để lấy màu, phần còn lại dùng để ngâm rượu vì thế trong các bình rượu này tỷ lệ thuốc phiện có hàm lượng rất thấp… các quả thuốc phiện chỉ được điểm vào cho đẹp mắt, sau đó đóng thành bình bán cho khách có nhu cầu. Hằng năm, vụ cây thuốc phiện thường từ tháng 10 đến đầu năm sau.
 
Vào thời điểm đầu năm 2012, một cân thuốc phiện tươi trên thị trường có giá khoảng 800.000 đồng/kg gồm thân, rễ, quả. Một kg thuốc phiện thường ngâm được 3 bình rượu, nếu bán ra thị trường có giá 1,3 triệu đồng/bình loại 5 lít. Đấy là còn mua được tại gốc chứ nếu mang ra đến TP. Yên Bái hoặc về xuôi thì giá thành có thể lên tới gấp đôi, gấp ba… Vài ba cây thuốc phiện gập 3, gập 4 vào thì có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Siêu lợi nhuận khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để phạm pháp. 
 
Câu chuyện của chúng tôi chợt bị ngắt khi một bình rượu chừng 2 lít được nhân viên của nhà hàng đưa ra… và cái giá mà chúng tôi phải trả cũng không mềm chút nào, 1,3 triệu đồng/bình. Cậu nhân viên lúc này cười xòa hóm hỉnh: Anh chị uống vào, biết ngay tác dụng. Rồi anh ta khoa môi, múa mép về tác dụng của rượu như một loại thuốc đại bổ với các công dụng như sâm nhung làm bổ âm, bổ dương, tốt cho đường tiêu hóa…
 
Có cầu, ắt có cung
 
Số liệu thống kê của Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, những tháng đầu năm 2012, công an huyện đã phát hiện và bắt giữ 16 vụ, 20 đối tượng có liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó có 3 vụ trồng cây thuốc phiện… So với những tháng đầu năm 2011 tăng 8 vụ bằng 12 đối tượng. Thực tế cho thấy, không chỉ những người thiếu hiểu biết mới tham gia phạm tội, có trường hợp cán bộ y tế xã cũng vì đồng tiền mà lóa mắt, tái phạm rất nhiều lần.
 
Phụng Thị Quyện, công tác tại Trạm y tế xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu là một trường hợp như thế. Trước đó, vào khoảng giữa năm 2011, Quyện đã bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép thân cây, quả thuốc phiện. Song hình thức xử lý đó cũng không làm Quyện lo sợ, Quyện vẫn lén lút mua thân, rễ, cây, quả cây thuốc phiện ngâm rượu, bán lại cho những người tiêu dùng có nhu cầu. Vào thời điểm bị lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt quả tang (ngày 26/3), trong nhà đối tượng này có 13kg quả thuốc phiện, 34 thân, rễ cây thuốc phiện và 8 bình rượu ngâm thân cây. Vì lợi nhuận, các đối tượng không từ thủ đoạn nào để hoạt động.
 
Trước đó, Công an huyện Văn Chấn cũng phục bắt quả tang hai đối tượng là Hà Văn Chơ (trú tại huyện Văn Chấn) và Sùng A Cha (40 tuổi, trú tại huyện Trạm Tấu, Yên Bái)  khi đang vận chuyển 10,5kg quả thuốc phiện; 28kg thân, rễ cây thuốc phiện và 2 bình nhựa bên trong chứa 10 lít rượu ngâm thân, rễ và quả thuốc phiện tươi.
 
Theo quy định của pháp luật, các đối tượng vận chuyển từ 5kg quả khô thuốc phiện trở lên sẽ bị khởi tố hình sự, trong trường hợp cơ quan công an chứng minh được họ có mục đích mua bán. Điều đó có nghĩa là các trường hợp vận chuyển thân, rễ, lá thì chỉ xử phạt hành chính.
 
Trường hợp phát hiện có rượu ngâm thân, rễ, lá và quả thuốc phiện thì chỉ xử lý được là rượu không có tem, dán nhãn và chuyển quản lý thị trường xử phạt hành chính. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, trong khi khoản lợi nhuận kiếm được từ việc sản xuất rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện lại quá lớn nên việc sản xuất và mua bán loại rượu này vẫn diễn ra một cách âm ỉ. Điều đó, vô hình chung đã thúc đẩy cho việc tái trồng cây thuốc phiện.
 
Một cán bộ y tế cho biết: rượu là chất kích thích, có quả cây thuốc phiện tức là có hàm lượng morphin… vì thế một số người sẽ lập luận rằng đó là một loại thuốc chữa bệnh. Bởi nhựa cô đặc từ quả anh túc hay còn gọi là quả thuốc phiện vẫn được dùng như một biệt dược để giảm đau, chữa bệnh đau bụng và để kích thích tiêu hóa.
 
Song trên thực tế, trong y học việc sử dụng cũng phải theo chỉ định của bác sĩ, nếu quá liều sẽ vô tình gây tác hại. Rượu ngâm rễ, thân, lá cây anh túc không có tác dụng gì vì hàm lượng chất gây nghiện tuy có tất cả ở thân, lá và rễ nhưng rất thấp. Vì thế, nếu có ngâm rượu thì cũng không thể có tác dụng chữa bệnh như những lời đồn thổi.
 
Nếu sử dụng liên tục trong một thời gian dài, rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện như rễ, quả, thân cây sẽ làm cho người sử dụng bị tê liệt thần kinh. Nhiều người trong số đó có thể bị giảm trí nhớ, đó là chưa kể đến việc lạm dụng rượu sẽ có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận và một số cơ quan nội tạng khác. Lạm dụng loại rượu này sẽ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách.
Theo Công an nhân dân
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang