Vì sao cơ quan chức năng gặp khó khi xử lý vi phạm trong thương mại điện tử?

author 06:27 16/11/2023

(VietQ.vn) - Đại diện Cục TMĐT&KTS chỉ ra 6 nguyên nhân gây ra những khó khăn, thách thức đối của cơ quan chức năng khi xác định, xử lý hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.

Nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện, ngăn chặn

Trong 10 tháng năm 2023, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng... Đặc biệt, trong 10 tháng qua, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng; nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý... đã có buổi làm việc, phản ánh với Tổng cục, qua đó đề xuất các phương án hợp tác trong phòng, chống cũng như ngăn chặn các hành vi phạm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. 10 tháng năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng.

Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ ra những nguyên nhân khiến công tác xử lý vi phạm thương mại điện tử gặp khó khăn.

Khó khăn trong công tác xử lý

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ ra 6 nguyên nhân gây ra những khó khăn, thách thức đối của cơ quan chức năng khi xác định, xử lý hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.

Một là, các đối tượng vi phạm sử dụng các phương thức thủ đoạn tinh vi như kinh doanh nhưng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ bán online qua mạng xã hội, không địa chỉ, giao qua xe ôm hoặc giao từ địa chỉ khác; Phân tán hàng hoá nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ; khó xác định được kho hàng, chỉ bán hàng qua đội ngũ cộng tác viên trung gian; Không có hàng, chỉ nhận đặt hàng trung gian kiếm lời, xuyên biên giới, sử dụng KOLs livestream…

Hai là, tiến hành xoá dấu vết nhanh chóng bởi website các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại nhanh chóng và rất khó kiểm soát.

Ba là rất khó nhận biết và khó xác minh chất lượng hàng hoá bởi hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả. Cơ quan chức năng cũng gặp khó xác minh các đối tượng bán hàng qua các mạng xã hội không có hiện diện tại Việt Nam như Facebook, Youtube…

Bốn là, chưa theo kịp sự thay đổi công nghệ. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Năm là, ý thức tố giác tội phạm chưa cao. Nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Công tác phối hợp còn hạn chế đặc biệt là giữa chủ sở hữu với cơ quan chức năng khi có sự việc xảy ra. Việc xử lý đôi khi còn phụ thuộc vào thông tin mà chủ sàn cung cấp.

Vừa qua, trên Nghị trường Quốc hội kỳ họp lần thứ VI, khóa XV, trả lời chất vất các Đại biểu Quốc hội liên quan đến việc phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để từng bước khắc phục, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử về gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; tích cực chủ động phối hợp các bộ ngành liên quan, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua tiêu thụ…; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo để hỗ trợ xử lý bán hàng vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); phân cấp phân quyền cho địa phương; tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; tăng cường hoạt động quản lý giám sát hàng hóa trên môi trường mạng.

Đồng thời, chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phối hợp rà soát gỡ bỏ thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin trong hoạt động thương mại điện tử.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang